Địa điểm lưu niệm sự kiện Cách mạng kháng chiến tại bệnh viện Bạch MaiBệnh viện Bạch Mai có địa chỉ
78 Đường Giải Phóng, Phương Đình, Đống Đa
0243 851 1306
Giới thiệu
Bệnh viện Bạch Mai có địa chỉ tại số 78, đường Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Bệnh viện Bạch Mai được xây dựng năm 1911 với tên gọi ban đầu là “Bệnh Viện Lây Cống Vọng” hay “Nhà Thương Vọng”. Năm 1929, Bệnh Viện Lây Cống Vọng được mở rộng thành Bệnh Viện Đa Khoa mang tên “Bệnh Viện Robin” vừa khám chữa bệnh cho người Việt Nam, vừa là cơ sở thực hành của trường Y Dược, khoa Đông Dương. Sau đảo chính Nhật – Pháp ngày 09/3/1945, Bệnh Viện chính thức mang tên Bệnh Viện Bạch Mai. Trải qua hơn 100 năm xây dựng và trưởng thành, Bệnh Viện Bạch Mai đã chứng kiến những giờ khắc đau thương và hào hùng của dân tộc. Đặc biệt, trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên của Bệnh Viện đã kề vai, sát cánh cùng nhân dân thủ đô chiến đấu, bảo vệ Bệnh Viện, làm tốt nhiệm vụ của người thầy thuốc trên tuyến đầu mặt trận, góp phần vào thắng lợi chung của đất nước. Nhắc đến Bệnh Viện Bạch Mai, những thế hệ cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh Viện không thể nào quên được những sự kiện đáng nhớ diễn ra tại đây vào ngày 15/01/1947 và ngày 22/12/1972 rất ác liệt nhưng cũng vô cùng oanh liệt.
-
- Sự kiện ngày 15/01/1947:
Cách mạng tháng 8 thành công chưa được bao lâu thì thực dân Pháp lại có dã tâm quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Đêm ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, cán bộ, nhân viên Bệnh Viện Bạch Mai hăng hái tham gia kháng chiến, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Bệnh Viện và chăm lo sức khỏe cho nhân dân.
Nhà Thương Vọng (tiền thân của Bệnh Viện Bạch Mai) là một khu vực khá rộng, mỗi chiều khoảng 300m, có tường bao quanh, có một chòi gác ở cổng, bên trong có nhiều nhà 3 tầng. Lực lượng ta có Đại đội 68 thuộc Tiểu đoàn 64 cùng 3 Trung đội Tự vệ và khoảng 100 cứu thương, cấp dưỡng. Tất cả khoảng 500 người. Vũ khí hầu hết là súng trường, lựu đạn và 01 khẩu đại liên bố trí ở chòi cao trên cổng, 01 khẩu ở mặt đất, đục lỗ tường, bắn ra dọc Quốc lộ 1.
5 giờ sáng ngày 15/01/1947, một đoàn gồm 8 xe tăng, xe thiết giáp, 10 xe vận tải chở khoảng 300 lính Âu – Phi có máy bay yểm trợ từ Kim Liên đánh xuống Bệnh Viện Bạch Mai. Khi cách Bệnh Viện khoảng 300m, chúng triển khai lực lượng rồi dồn dân thường lên phía trước để làm bia đỡ đạn cho chúng. Bộ đội, Tự vệ của ta trong Bệnh Viện dùng súng trường bắn chỉ thiên và dùng loa kêu gọi bà con tản ra xung quanh. Địch dùng súng máy bắn vào dân rồi mở cuộc tiến công. Quân ta chờ địch đến gần rồi dùng Đại liên ở trên chòi gác bắn xối xả vào đội hình giặc, tiêu diệt nhiều tên, số còn lại tháo chạy. Địch tổ chức lại đội hình và tiếp tục tiến công nhưng bị ta chặn đứng. Đến 10h sáng, Bộ đội và Tự vệ bên trong Bệnh Viện đã đánh bại 6 đợt xung phong của quân địch. Nhiều chiến sĩ Vệ quốc đoàn và Tự vệ đã hy sinh nhưng anh chị em vẫn ngoan cường chiến đấu.
Đến 11 giờ, cánh quân địch gồm 500 tên, đi đầu là 8 xe tăng và xe thiết giáp, 15 xe vận tải, sau khi đánh chiếm Vĩnh Tuy và ngã tư Trung Hiền, theo đường Đại La đánh vào Nhà Thương Vọng. Khi xe tăng địch húc đổ tường, đột phá vào hướng Đông Nam của Bệnh Viện, tổ bom ba càng của ta lao ra phá hỏng một xe tăng của địch. Quân địch tiếp tục xông lên. Ta bám trụ trong từng căn nhà để ngăn chặn địch. Đến 18 giờ, các lực lượng của ta rút về hướng Khương Thượng, sân bay Bạch Mai.
Trận Nhà Thương Vọng là trận đánh lớn và ác liệt nhất của quân và dân ta tại khu vực Phương Mai và cũng là một trong những trận đánh lớn nhất, ác liệt nhất của quân và dân Thủ đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Quân ta đã kiên cường chống trả quyết liệt, tiêu diệt khoảng 200 tên địch, 50 Bộ đội và Tự vệ của ta đã anh dũng hy sinh.
Sau ngày thủ đô được giải phóng năm 1954, Bệnh Viện được tu sửa, xây dựng thêm và nâng cấp, trở thành một Bệnh Viện đầu ngành trong cả nước.
-
- Sự kiện ngày 22/12/1972
Trong các đợt đánh phá của Mỹ bằng máy bay B52 vào Hà Nội năm 1972, Bệnh Viện Bạch Mai - Trung tâm y tế và y học lớn nhất miền Bắc là đối tượng và mục tiêu của không quân Mỹ. Hồi 8h57 phút ngày 27/6/1972, máy bay Mỹ đã bắn tên lửa và thả bom cỡ lớn vào khu vực trung tâm Bệnh Viện làm nhiều cơ sở của phòng điều trị Tim mạch, Tiêu hóa, phòng Hậu phẫu, khoa Sản bị phá hủy làm một số cán bộ y, bác sĩ hy sinh.
12h05 phút ngày 19/12/1972, máy bay Mỹ lại ném bốn quả bom vào Bệnh Viện làm cho phòng khám Đa khoa và khu Xét nghiệm của bệnh viện Tai – Mũi - Họng cùng nhiều nhà cửa bị phá hủy. Ác liệt hơn là đêm ngày 21, rạng sáng ngày 22/12/1972, địch cho máy bay B52 đánh phá dữ dội nhiều khu vực của Hà Nội, Bệnh Viện Bạch Mai lại trở thành tâm điểm bắn phá của địch. Chúng đã rải thảm B52, phá hủy phần lớn trung tâm y tế lớn nhất của Thủ đô và cả nước, làm 28 cán bộ, bác sĩ, nhân viên của Bệnh Viện hy sinh, 3 khu nhà cao tầng kiên cố bị sập đổ, nhiều dãy nhà khác bị hư hại, hàng ngàn ô cửa kính nát vụn, máy móc, dụng cụ y tế bị vùi trong đống đổ nát.
Sau trận đánh phá của địch, Ban lãnh đạo Bệnh Viện lại họp ngay trên thực địa, quyết tâm bám trụ đến cùng với phương châm chỉ đạo: Khi còn nhân dân ở lại phố phường, còn lực lượng ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô thì Bệnh Viện Bạch Mai còn phục vụ và phục vụ ngay trong lòng Hà Nội.
Để ghi nhận những đóng góp to lớn của Bệnh Viện trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý cho Bệnh Viện như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng Chiến Hạng Nhất, Huân chương Độc Lập Hạng Nhất, Huân chương Lao Động Hạng Nhất, danh hiệu Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân cho tập thể cán bộ nhân viên của Bệnh Viện.
Khu lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến tại Bệnh Biện Bạch Mai hiện nay có diện tích 85,7m2, nằm trong khuôn viên Bệnh Viện. Tại đây dựng bức phù điêu khắc họa hình ảnh các chiến sĩ, bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên, hộ lý đã hi sinh trong sự kiện ngày 15/01/1947 và ngày 22/12/1972, bức tượng người mẹ đứng bồng con trong quang cảnh đổ nát, đau thương. Giữa biết bao những bộn bề, hối hả của cuộc sống, khu lưu niệm hiện lên như một khoảng lặng tôn nghiêm nhắc nhở mỗi chúng ta luôn biết ơn những đóng góp, hi sinh của tập thể đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, công nhân viên, kỹ thuật viên… Bệnh Viện Bạch Mai – những chiến sỹ áo trắng trong tuyến đầu chống giặc trong hai cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở thế kỷ XX.
Hàng năm, vào các ngày lễ lớn của dân tộc, như: ngày 30/04, ngày 27/07, ngày Quốc Khánh 02/09, tại đây diễn ra các hoạt động dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ, bác sĩ, y tá và bệnh nhân đã hy sinh tại Bệnh Viện Bạch Mai ngày 15/01/1947 và ngày 22/12/1972 với niềm tri ân, thành kính.
Trải qua thời gian, chiến tranh đã lùi xa nhưng những sự kiện diễn ra tại Bệnh Viện Bạch Mai năm xưa vẫn nhắc nhở mỗi chúng ta về một thời kỳ hào hùng và bi tráng của dân tộc, để thế hệ trẻ hôm nay biết trân trọng những giá trị hòa bình, độc lập, tự do.
Địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng – kháng chiến tại Bệnh Viện Bạch Mai đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích lịch sử cấp Thành phố năm 2016.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh