Chùa Thanh Nhàn (Linh Sơn Tự)
Số 68/318 Đường Đê La Thành, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Chùa có tên chữ là “Thanh Nhàn tự”, tọa lạc tại số 68, ngõ 318, đường Đê La Thành, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Căn cứ vào các tư liệu thành văn hiện còn như Bia: “Nghĩa Phê Tạo Đình Bi Ký” dựng năm Nhâm Thân, niên hiệu Chính Hoà thứ 13 (1692) (nay thuộc trụ sở Công an phường Ô Chợ Dừa) và Bia: “Cao Sơn Tây Hưng miếu” dựng ngày 5 tháng 5, đời vua Chính Hoà (1680 - 1705) cho biết chùa Thanh Nhàn có niên đại khởi dựng vào thế kỷ XVII với quy mô kiến trúc bề thế, khang trang, là một danh tích nổi tiếng của đất kinh thành.
Sang thế kỷ XVIII, chùa bị hư hại nặng, quan Quận Công họ Đỗ làm Thái Bảo triều đình đã đứng ra sửa chữa. Để ghi nhớ công đức ấy, sau khi ông qua đời, nhân dân đã cho dựng Bia và tạc Tượng ông thờ trong chùa. Pho tượng này hiện nay vẫn còn. Tượng mang niên đại nghệ thuật thế kỷ XVIII.
Đầu thế kỷ XIX, khi thấy cảnh chùa đổ nát, tượng Phật hư hỏng, các giáp trong phường Thịnh Hào lại vận động bà con phát tâm công đức, tu sửa chùa, tô tượng và đúc quả chuông “Thanh Nhàn tự chung”. Đến năm Thành Thái thứ 7 (1895), sự trụ trì cho đại tu tòa Tam Bảo, năm Thành Thái thứ 13 (1901), sửa tiếp tòa Hậu Đường, xây dựng thêm các gian nhà phụ...
Chùa Thanh Nhàn tọa lạc trên khu đất cao ráo, bằng phẳng trong khu vực cư trú của làng. Theo nhân dân địa phương kể lại, trước đây, chùa có quy mô kiến trúc khang trang, khuôn viên rộng rãi với hệ thống cây cổ thụ bao quanh. Trải qua nhiều thăng trầm, biến động của lịch sử khiến cho diện mạo của ngôi chùa cũ không còn. Quy mô kiến trúc hiện nay mang dấu ấn của lần trùng tu vào cuối thế kỷ XX, gồm các công trình: Tam Quan, Tiền Đường, Thượng Điện, nhà Tổ - nhà Mẫu và các công trình kiến trúc phụ trợ.
Tam Quan chùa Thanh Nhàn được làm dạng Gác Chuông, xây gạch kiểu hai tầng 8 mái; tầng trên để trống 4 mặt, bên trong treo chuông, hai bên cửa Tam Quan đắp câu đối, trên cổng đề ba chữ Hán “Thanh Nhàn tự”.
Vào bên trong, vườn chùa khá rộng trồng nhiều cây ăn quả và những cây lưu niên tạo bóng mát. Trước chùa có giếng hình bán nguyệt, trên đó dựng một pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đá trắng đứng trên hòn giả sơn. Sân chùa lát đá xẻ, hai bên sân xây hai nhà Bia dạng hai tầng tám mái, bên trong đặt hai tấm bia đá cỡ lớn.
Tòa Tiền Đường gồm 3 gian, 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai, mái lợp ngói ta. Ba gian giữa mở cửa gỗ theo kiểu “Thượng song hạ bản”. Vào bên trong, các bộ vì đỡ mái được liên kết với nhau theo kiểu “Thượng giá chiêng chồng rường hạ cốn” kết hợp ván mê trên mặt bằng bốn hàng chân cột. Trang trí trên các bộ vì chỉ mang tính điểm xuyết tại các bức cốn nách với họa tiết lá lật, văn triện… tạo cảm giác nhẹ nhàng và thanh thoát cho kiến trúc.
Tòa Thượng Điện gồm 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Bộ khung kết cấu kiểu “Thượng giá chiêng, hạ kẻ ngồi” trên mặt bằng hai hàng chân cột. Nơi cao và sâu nhất là nơi an tọa của các vị Chư Phật. Trên cùng là bộ tượng Tam Thế đại diện cho 3000 vị Phật ở ba thời quá khứ, hiện tại và tương lai, tiếp theo là bộ A Di Đà Tam Tôn, Ngọc Hoàng, Phạm Thiên, Đế Thích, Cửu Long, tượng Hậu. Tại tòa Tiền Đường có các tượng: Khuyến Thiện – Trừng Ác, Đức Ông, Thánh Tăng, Diệm Nhiên, Đại Sỹ...
Ngoài kiến trúc chính, chùa còn khu nhà Tổ - nhà Mẫu được làm theo phong cách kiến trúc truyền thống. Gian bên phải thờ đức Bồ Đề Đạt Ma và các vị Sư Tổ trụ trì đã quá cố. Gian bên trái thờ Tam Tòa Thánh Mẫu.
Tồn tại đến ngày nay, chùa Thanh Nhàn vẫn lưu giữ được hệ thống di vật đa dạng, phong phú, có giá trị về lịch sử, văn hóa, điêu khắc và nghệ thuật gồm: tượng Phật, tượng Tổ, tượng Mẫu, tượng Hậu, Bia đá, minh Chuông, Hoành phi, Câu đối, Cửa võng... mang niên đại nghệ thuật thế kỷ XVIII-XIX-XX… Trong đó, đáng quan tâm là các bộ tượng: Tam Thế Phật, A Di Đà Tam Tôn, tượng Hậu là những pho tượng đẹp của chùa, mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê với cách bố cục cân đối, đường nét chạm khắc tinh tế, khéo léo; Hệ thống tư liệu Hán Nôm gồm: 17 Bia đá (niên đại thế kỷ XVIII-XIX), Chuông đồng “Thanh Nhàn tự chung”, niên hiệu Gia Long thứ 9 (1810) là nguồn sử liệu quý hiếm giúp cho việc tìm hiểu lịch sử vùng đất, lịch sử ngôi chùa, những lần trùng tu, tôn tạo cũng như nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống xã hội đương thời.
Từ bao đời nay, chùa Thanh Nhàn luôn được các thế hệ nhân dân chăm lo, gìn giữ, góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa truyền thống của Thăng Long – Hà Nội. Di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1989.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh