Lễ hội đình Văn Hương
Số 107, ngõ Văn Hương, phường Hàng Bột, quận Đống Đa
0243 851 1306
Giới thiệu
Đình Văn Hương có địa chỉ tại số 107, ngõ Văn Hương, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Ngôi đình mang tên gọi của làng Văn Hương xưa ở thế kỷ XIX. Đến đầu Thế Kỷ XX, thôn Văn Hương hợp với thôn Thanh Miến, Trung Tả và Huy Văn thành thôn Văn Chương,vì thế đình Văn Hương còn được gọi là đình Văn Chương.
Đình thờ Thành hoàng làng là Nam Phương Xích Đế hay còn gọi là Xích Đế Viêm, Đế Chu Tước, húy là Đạo Công, Ngài sinh ngày 27 tháng 2 năm Giáp Ngọ. Thủa nhỏ đã có tư chất thông minh, dĩnh ngộ hơn người. Lớn lên, Đạo Công trở thành bậc anh hùng cái thế trong thiên hạ. Khi đó, nhà Hùng tổ chức tuyển người hiền tài, Đạo Công ra ứng thí và được tuyển chọn,phong làm Chỉ huy sứ tướng quân. Bấy giờ,vua Hùng Vương thứ 18 có ý định nhường ngôi cho con rể là Sơn Tinh. Nghe tin, Thục Vương đã đem quân tiến đánh đất nước Văn Lang. Hùng Vương cử Đạo Công đem quân đi dẹp giặc. Chỉ trong 10 ngày, quân Thục đã bị đánh bại.Thắng trận trở về, Sơn Thánh cho người tâu với Hùng Vương ban chiếu triệu Đạo Công về triều, vua mở tiệc mừng công, ban thưởng tướng sĩ, chophép Đạo Công về thăm thực ấp và quê quán. Ngài đến đạo Kinh Bắc rồi đến Thăng Long, đến địa phận thôn Văn Chương, Văn Hương, huyện Hoàng Long, phủ Phụng Thiên thì hóa vào đám mây ngũ sắc, hôm ấy là ngày 14 tháng 2. Nhân dân làm sớ tâu lên triều đình, vua bèn cử người về làm lễ và phong làm Thượng Đẳng Phúc Thần, cho phép giáp Đông, ấp Văn Chương lập miếu thờ cúng.
Đình Văn Hương mở hội một năm hai lần: mùa xuân vào ngày ngày 13 và tháng 2 âm lịch (tức ngày hóa của thần); mùa thu vào ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch (lễ mừng cơm mới). Công tác chuẩn bị cho lễ hội được chính quyền và nhân dân chuẩn bị từ sau tết Nguyên Đán. Ban khánh tiết mời các thành viên trong làng họp bàn kế hoạch chuẩn bị cho ngày hội, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, quan trọng nhất vẫn là chọn người viết văn tế, phải là người văn hay chữ tốt, tài đức, gia đình vẹn toàn. Văn tế viết xong phải thông qua ban Tổ chức lễ hội duyệt rồi đặt lên ban thờ làm lễ để đến ngày lễ hội mang ra đọc.
Thành phần tham gia lễ hội đình Văn Hương chủ yếu là bà con trong làng Văn Hương, Văn Chương xưa kia, những trai đinh trong làng từ 18 tuổi trở lên, gia đình không có tang chế đều được tham gia đầy đủ.
Lễ vật dâng cúng Thành hoàng được Ban tổ chức chuẩn bị từ chiều hôm trước gồm: Xôi gà, hoa quả, thanh bông, tiền vàng, trà rượu, trầu cau được chuẩn bị rất chu đáo.
Từ sáng ngày 12 tháng 2, dân làng ra đình quét dọn, làm lễ Mộc Dục, bao sái đồ thờ, kê lại bàn ghế và treo cờ Thần, cờ Ngũ hành, cờ Lệnh từ trong đình ra tới đầu ngõ Văn Hương (đường Tôn Đức Thắng). Các đồ tế khí, chấp kích, kiệu Long Đình và kiệu Bát Cống, hương án, bát hương… được bàyra để nhân dân chiêm bái. Xưa kia, lễ hội đình Văn Hương tổ chức rước kiệu của đức Thánh từ đình Văn Hương lên đền Văn Chỉ, vòng sang đền Trung Tả rồi mới quay về đình. Tuy nhiên, lệ này nay không còn, chỉ tổ chức tế lễ tại đình.
Buổi tối, Ban khánh tiết làm lễ trình cáo Thần hoàng xin Ngài cho phép tổ chức lễ hội vào ngày hôm sau. Sáng hôm sau, từ rất sớm, đại diện chính quyền địa phương và bà con nhân dân đã chỉnh tề trang phục đến đình dự lễ. Sau nghi thức khai mạc, giới thiệu đại biểu, đội tế nam bắt đầu làm nhiệm vụ. Trong trang phục truyền thống áo xanh, quần trắng, chân đi hia, đầu đội mũ, mọi người chỉnh tề đứng vào hàng ngũ; Ông chủ tế mặc trang phục màu đỏ giữ ngôi vị cao nhất. Những bước đi chậm dãi, trang nghiêm, kính cẩn trước bài vị của đức Nam Phương Xích Đế, lần lượt các tuần dâng rượu, trà, nước theo qui định lên đức Thành hoàng.Vị chủ Tế long trọng đọc Chúc Văn nêu bật công lao to lớn của đức Thành hoàng làng đối với dân làng và cầu xin Thần hãy phù cho nhân dân được yên ổn làm ăn, cho đất nước thái bình, thịnh trị. Đọc xong, Chúc Văn được mang đi hóa như để gửi gắm những lời cầu nguyện lên đức Thành hoàng.
Khi đội tế nam kết thúc, các ban ngành, đoàn thể, bà con trong phường vào dâng hương lên Đức Thánh cho tới buổi chiều tối khi ban tổ chức làm lễ giã hội. Trong đình, không khí lễ hội đã tràn ngập mọi nơi, mùi hương thoang thoảng trong không gian linh thiêng như đưa con người hòa cùng thế giới của thần linh bởi tiếng sênh, phách của phường bát âm, các tiết mục múa lân, múa sư tử, múa xênh tiền, biểu diễn văn nghệ của các câu lạc bộ.
Buổi trưa, lễ vật được hạ xuốngđể mọi người có mặt cùng thụ hưởng. Những phần còn lại được chia đều cho các thành viên và bà con có mặt tại đình với ý nghĩa được thần ban phướcsẽ may mắn trong cả một năm.
Lễ hội đình Văn Hương là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta đối với những vị thần linh đã có công phù trì, bảo hộ cho cuộc sống bình yên của dân làng. Lễ hội chính là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại thông qua các nghi lễ truyền thống nhằm gửi gắm những ước vọng của nhân dân đến với thần linh, cầu mong cho một năm “dân khang, vật thịnh”, mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh