Lễ hội đình - đền Trung Tả
Số 24, ngõ Trung Tả, Khâm Thiên, Thổ Quan, Đống Đa
0243 851 1306
Giới thiệu
Đình – đền Trung Tả có địa chỉ tại số 24, ngõ Trung Tả, phố Khâm Thiên, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội.
Đình Trung Tả thờ Trần Hưng Đạo (1232–1300), một tôn thất hoàng giaĐại ViệtthờiTrần, ông là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất ở thế kỷ XIII, đã chỉ huy quân đội đánh tanhai cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông năm 1285 và năm 1288. Không chỉ là một thiên tài quân sự, Trần Hưng Đạo còn là một nhân cách lớn để lại tiếng thơm muôn đời cho hậu thế. Khi đất nước bị lâm nguy, ông sẵn sàng gạt bỏ thù riêng để lo việc nước. Mặc dù lập được chiến công phi thường nhưng sự trung thành của ông khiến người đời phải thán phục. Ông chính là biểu tượng của lòng trung nghĩa, sự tận tuỵ báo quốc, là khí phách bất phàm của một bậc chính nhân quân tử. Trước khi mất, ông vẫn không quên dặn các vua Trần: “Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc" cho sự nghiệp lâu dài của nước nhà. Ông còn là tác giả của hai bộ binh thư và đặc biệt bài "Hịch tướng sĩ" nổi tiếng còn lưu truyền đến ngày nay. Sau khi ông mất, vua phong ông tước Hưng Đạo Đại vương. Nhân dân lập đền thờ ông ở khắp nơi trên mọi miền đất nước.
Từ một nhân vật lịch sử, Trần Hưng Đạo đã được nhân gian coi như “vị Thánh” cứu giúp nhân dân thoát khỏi kiếp lầm than, khổ cực. Bởi vậy, ông còn được tôn thờ trong hệ thống Tứ phủ của đạo Mẫu (phủ Trần Triều). Ngoài ra, nhiều nơi đã thờ Trần Hưng Đạo làm Thành hoàng làng với mong muốn được bảo vệ, chở che cho muôn dân được bình an, hạnh phúc.
Đền Trung Tả nằm ngay bên cạnh đình Trung Tả, đền thờ Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao – thân mẫu của vua Lê Thánh Tông. Bà được thờ chính tại chùa - điện - đền Huy Văn, phường Văn Chương. Ngô Thái Hậu là người đã hết lòng cùng con chăm lo sự nghiệp đế vương, là một trong những chỗ dựa tin cậy của Lê Thánh Tông.
Theo sử sách, Quang Thục Hoàng Thái Hậu, họ Ngô, húy là Dao, người xã Động Bàng, huyện Yên Động. Ông nội là Ngô Kinh, gia thần củaLê Khoángvà sau đó làLê Lợi, Cha làNgô Từ, người giữ vai trò cung cấp quân lương trong những ngày đầukhởi nghĩa Lam Sơn, khai quốc công thầnnhà Lê Sơ. Chị ruột là Hoàng hậu Ngọc Xuân được vào hầu Lê Thái Tổ ở Hậu cung.
Năm Thiệu Bình thứ 3 (1436), khi mới 14 tuổi được tuyển vào cung. Bà là người nết na hợp khuôn phép, lễ nghĩa được Lê Thái Tông rất mến yêu. Năm Đại Bảo thứ nhất (1440), bà được phongTiệp dư, ngự ởcung Khánh Phương. Bà thường đến lễ cầu tự tại chùa Dục Khánh (tức chùa Huy Văn), sau đó sinh ra Lê Tư Thành (tức vua Lê Thánh Tông) và được đặc cách phong làm Sung Viên. Năm 1459, tháng 10 âm lịch,mùa đông,Lê Nghi Dângây biến. Hoàng thái hậu và Nhân Tông Tuyên hoàng đế bị giết hại. Bà Ngô Thị Ngọc Dao cùng con là Lê Tư Thành ra lánh nạn tại chùa Dục Khánh (tức chùa Huy Văn). Năm 1460, các đại thầnNguyễn Xí,Đinh Liệt,Lê Lăng,Lê Niệm,Nguyễn Đức Trunglàm binh biến giết chết Lê Nghi Dân và đưa Tư Thành lên ngôi. Lê Thánh Tông tôn mẹ làmThánh mẫu Hoàng thái hậu, ởđiện Thừa Hoa.
Năm Hồng Đức thứ 27 (1496), sau khi cùng Lê Thánh Tông về bái yếtLam Kinh, bà bị bệnh nặng rồi mất tại điện Thừa Hoa, thọ 76 tuổi, hôm đó là ngày26 tháng 2. Lê Thánh Tông đau buồn, truy tôn mẹ làmQuang Thục hoàng thái hậu.
Hàng năm, tại di tích đình – đền Trung Tả tổ chức lễ hội hai lần: ngày 26 tháng 2 (ngày giỗ của Quang Thục Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao) và ngày 20 tháng 8 âm lịch (ngày giỗ Đức Thánh Trần).
Ngày 26 tháng 2: Theo lệ, từ sau ngày rằm tháng hai, ban tổ chức lễ hội họp bàn phân công nhiệm vụ cho các thành viên, lựa chọn người viết văn tế, ban hậu cần, bàn khánh tiết, cử người tham gia vào đội tế và các “hàng đô” khiêng kiệu trong ngày hội.
Thành phần tham dự: gồm đại diện quận Đống Đa, các ban ngành đoàn thể phường Thổ Quan, bà con nhân dân trong tổ dân phố, các du khách thập phương về dự đông đủ.
Lễ vật dâng cúng: được ban tổ chức chuẩn bị hai lễ, một lễ dâng lên đình Trung Tả, một lễ dâng lên đền Trung Tả. Lễ vật gồm xôi gà, lợn, thanh bông, hoa quả, kim ngân, trà, tửu …. Từ xưa, dân làng Trung Tả có kết nghĩa với dân làng Huy Văn, nên trong ngày hội làng Trung Tả, làng Huy Văn cũng có lễ vật để dâng cúng lên đức Hoàng Thái hậu và Thành hoàng làng Trung Tả. Ngoài lễ chung, các gia đình và các dòng họ trong phường Thổ Quan cũng chuẩn bị lễ vật dâng cúng tại đình - đền để tỏ lòng tri ân, cung kính.
Từ ngày 25 tháng 2: Tiểu ban quản lý di tích đình đền Trung Tả đã mở cửa đình, bao sái, vệ sinh đồ thờ, làm lễ Mộc dục, lễ cúng yết cáo thần linh, bố trí sắp sếp lại các đồ thờ, đồ tế khí, chuẩn bị kiệu rước, tàn, lọng… cho đám rước ngày hôm sau.
Sáng ngày 26 tháng 2: từ tinh mơ, cửa đình – đền đã mở, chính quyền và bà con nhân dân đã tề tựu đông đủ tại đình – đền Trung Tả trong niềm vui hân hoan, phấn khởi. Sau khi đội tế thực hiện nghi lễ tế thần theo qui định, ban tổ chức tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và khai mạc lễ hội bằng ba hồi trống hội. Đại diện quận Đống Đa, chính quyền và các ban ngành đoàn thể phường Thổ Quan và nhân dân hai làng Trung Tả, Huy Văn cùng khách thập phương dâng nén hương thơm để tỏ lòng thành kính đối với Đức Quang Thục Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao.
Sau khi nghi thức tế lễ hoàn tất, mọi người chuẩn bị cho đám rước kiệu diễn ra hoành tráng. Kiệu được trang trí rất lộng lẫy gồm long ngai, bài vị, bát hương, hoa, đèn, nến, lọng…. Khiêng kiệu là 8 “hàng đô” trong trang phục áo đỏ, thắt đai lưng màu vàng, chân đi giày, đầu chít khăn màu đỏ. Khởi kiệu từ đình – đền Trung Tả rồi rước lên chùa - điện- đền Huy Văn sau đó vòng qua phố Nguyễn Khuyến rồi rước quay về đình - đền Trung Tả. Đoạn đường dài chừng 2 km. Đi đầu đoàn rước là cờ ngũ hành, đội bát âm, bát bửu, chấp kích, tàn, lọng, trống lớn, trống bé, đội múa lân, đội múa rồng; tiếp sau là kiệu bát cống. Theo sau kiệu là các quan viên, chức sắc, đội tế nam, đội dâng hương nữ, dân làng cùng khách thập phương. Khoảng giữa trưa, đoàn rước quay về đến đình – đền Trung Tả. Những người tham dự được ban tổ chức mời thụ lộc tại di tích với ý nghĩa sẽ gặp may mắn cho cả một năm.
Buổi chiều đội dâng hương nữ tổ chức dâng hương, nhân dân và khách thập phương tiếp tục vào lễ Thánh cho đến chiều tối. Sáng ngày 27 tháng 2, ban tổ chức làm lễ tạ thần kết thúc lễ hội.
Ngày 20 tháng 8: Lễ giỗ đức Thánh Trần: Công tác chuẩn bị, thành phần tham dự, lễ vật dâng cúng và các nghi lễ được thực hiện giống như lễ hội giỗ đức Quang Thục Hoàng Thái hậu. Tuy nhiên, trong lễ giỗ đức Thánh Trần làng không tổ chức rước mà chỉ tổ chức tế lễ, lễ dâng hương, biểu diễn văn nghệ tại di tích.
Lễ hội đình – đền Trung Tả là sinh hoạt văn hóa tâm linh thể hiện lòng tri ân, sự biết ơn của nhân dân đối với Quang thục Hoàng Thái Hậu người đã có những đóng góp lớn đối với vương triều Lê Sơ và đức thánh Trần Hưng Đạo vị anh hùng dân tộc kiệt xuất ở thế kỷ XIII. Lễ hội chính là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại thông qua các nghi lễ thờ cúng và diễn xướng dân gian thể hiện tình đoàn kết, sự gắn bó của cộng đồng dân cư làng xã. Từ bao đời nay, nhân dân làng Trung Tả luôn có ý thức gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương trao truyền cho các thế hệ nối tiếp nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của Thăng Long – Hà Nội.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh