Lễ hội đình Kim Liên
144 Kim Hoa, Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Đình Kim Liên còn được gọi là đền Kim Liên, hay đền Cao Sơn – một trong “Thăng Long tứ trấn” – trấn phía nam của kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc số 148, phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Trước đây, di tích thuộc phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức.
Đình Kim Liên thờ thần Cao Sơn Đại vương – vị thần nằm trong hệ thống huyền thoại thời dựng nước và giữ nước của dân tộc. Theo truyền thuyết, thần Cao Sơn là con của Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu bà Âu Cơ, là một trong 50 người con theo mẹ lên núi, sau trở thành một bộ tướng của Sơn Tinh (tức thánh Tản Viên). Cao Sơn có công giúp Sơn Tinh đánh Thủy Tinh và bộ tộc người Âu trong cuộc chiến tranh Hùng – Thục nên được thờ ở vị trí thứ 2 trong đền núi Tản Viên (Ba Vì). Tấm bia “Cao Sơn Đại vương thần từ bi minh” do sử thần Lê Tung soạn vào năm 1510 hiện còn trong di tích cho biết: Khi vua Lê Tương Dực dấy quân dẹp loạn, khôi phục cơ nghiệp của Lê Lợi, có ba vị đại thần là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ, Nguyễn Văn Lữ phụng mệnh đem quân đi chinh phạt, đến địa phận huyện Phụng Hóa (Nho Quan, Ninh Bình) thấy có ngôi đền cổ đề 4 chữ “Cao Sơn Đại Vương” rất lấy làm kinh dị, bèn vào khẩn cầu mong thần phù giúp. Quả nhiên 10 ngày sau đã thành công. Sau vì nhớ ơn thần đã ngầm giúp dẹp loạn ở Đông Đô, năm 1509, vua cho xây dựng lại đền thờ to đẹp hơn ở phường Kim Hoa gần Thăng Long thời bấy giờ (nay là Kim Liên).
Ngoài thờ Cao Sơn Đại Vương, sau này đình Kim Liên còn thờ thêm hai nữ thần phối hưởng là “Thuỷ Tinh đệ tam tôn nữ Đông Hồ Trưng Vương mẫu” và “Huệ Minh phu nhân” (vốn từ ngôi đền trên hồ Bảy Mẫu trong công viên Thống Nhất chuyển về đây). Hiện nay tại đình Kim Liên còn có một ban thờ ngài Tả Ao Tiên Sinh, là thầy địa lý đã có công truyền dạy dân làng Kim Liên nghề cắt tóc để có thêm thu nhập những lúc nông nhàn.
Đình Kim Liên được xây dựng trên gò đất cao, gần cửa ô Kim Hoa (còn gọi là ô Đầm Lầm). Các công trình kiến trúc hiện nay của đình gồm Hồ bán nguyệt, Nghi môn ngoại, Tả - Hữu vu; trên đỉnh gò là Nghi môn nội và nhà Đại bái; đền thờ Mẫu. Các công trình này đều được làm bằng gỗ, kết cấu theo phong cách truyền thống được bố cục hài hòa, đăng đối trong một không gian khép kín hướng ra phố Kim Hoa.
Đình Kìm Liên còn lưu giữ được nhiều di vật quí hiếm gồm: 2 tấm bia đá thời Lê Trung Hưng, 39 đạo sắc phong cho thần Cao Sơn, trong đó có 26 đạo thời Lê Trung Hưng, 13 đạo thời Nguyễn cùng nhiều đôi câu đối, hoành phi, cửa võng và các đồ tế khí có giá trị khác.
Hàng năm, lễ hội đình Kim Liên được tổ chức vào ngày 16 tháng 3 âm lịch. Công tác chuẩn bị cho lễ hội được tiến hành từ nhiều ngày trước, ban tổ chức đã họp bàn, phân công nhiệm vụ cho nhiều thành viên mỗi người đảm nhận một nhiệm vụ cụ thể. Quan trọng nhất vẫn là chọn người viết văn tế, phải là người có đức độ, văn hay chữ tốt, gia đình song toàn.
Trước ngày hội, các cụ trong làng đã ra đình quét dọn sạch sẽ, bao sái đồ thờ, trang trí cờ thần, biển lệnh, sắp xếp, bài trí các đồ tế khí trong đình sao cho hợp lý.
Từ sáng ngày 14 tháng 3, không khí lễ hội trong đình đã nhộn nhịp, tấp nập, các trò chơi như thi đấu cờ người, cờ tướng, bóng bàn, bóng đá diễn ra sôi nổi. Buổi chiều biểu diễn các tiết mục văn nghệ cho tới tận tối khuya.
Ngày 15 tháng 3: Buổi sáng, các hoạt động vui chơi trong lễ hội diễn ra trong khu vực di tích: Trong sân đình, khi câu lạc bộ dưỡng sinh của phường biểu diễn thì bên ngoài khu vực hồ bán nguyệt, Câu lạc bộ cầu lông cũng diễn ra vô cùng hứng khởi với sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo bà con trong khối phố và khách thập phương. Sau đó đến lượt Đoàn võ thuật biểu diễn các tiết mục nhằm đề cao tinh thần thượng võ của dân tộc.
Buổi chiều ngày 15 tháng 3: tổ chức cuộc thi cắt tóc diễn ra tại sân đình. Các thợ cắt tóc từ khắp nơi đều tập trung về đây để trổ tài biểu diễn với những đường nét khéo léo, điêu luyện trước sự chứng kiến của người dân và du khách. Các tay thợ vừa cắt tóc, múa kéo rất nghệ thuật với tiếng lách cách đều đặn, vui tai, cả cách quàng khăn theo chiều gió vừa để giữ sức khỏe cho người cắt tóc, vừa thể hiện phong cách rất điệu nghệ. Những người được giải “đôi bàn tay vàng” được trao thưởng ngay tại đình. Ai có nhu cầu đều được các thợ cắt tóc miễn phí trong ngày hội làng như một cách để tri ân Tổ nghề. Theo bà con trong làng, nghề cắt tóc ở Kim Liên có từ rất lâu đời. Xưa kia, trong những ngày nông nhàn, những thợ cắt tóc làng Kim Liên lại đi khắp nơi mở nghề cắt tóc nhằm kiếm thêm thu nhập. Sau này, phát triển thành phường hội. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, nghề bị mai một. Đến năm 2005, được sự quan tâm Đảng Ủy, UBND phường Phương Liên nên làng nghề cắt tóc Kim Liên được phục hồi lại.
Ngày 16 tháng 3: là ngày chính hội cũng là ngày quan trọng nhất với nhiều nghi lễ diễn ra. Từ sáng sớm, sân đình đã chật kín người. Lễ vật dâng cúng được Ban tổ chức chuẩn bị thịnh soạn đặt lên các ban thờ trong đình. Lễ vật cúng Thành hoàng tại đình Kim Liên khá đặc biệt, đó là cỗ 7 tầng được người dân trong làng tự tay chế biến rất công phu thể hiện tài năng ẩm thực của người nông dân Hà Nội cổ. Mâm cỗ 7 tầng xếp theo khuôn gỗ bao quanh hình vuông, mỗi cạnh 80cm. Tầng thấp nhất là đế 80cm, (đắp bằng xôi), lên cao hẹp dần, mỗi tầng trên dưới 10cm, trên cùng tầng 7 là tượng người, một nhân vật lịch sử hay văn hóa.
Tầng 1: từ dưới lên: xôi gấc
Tầng 2: bánh chưng
Tầng 3: bánh dầy
Tầng 4: bánh xu xê
Tầng 5: bánh cốm
Tầng 6: trái cây
Tầng 7: Ông Lã Vọng, cấu tạo bằng một con gà. Áo choàng và mũ của nhân vật được làm bằng mỡ chài nhuộm màu. Đầu của nhân vật nặn bằng xôi gấc. Ví như nếu nhân vật là Thạch Sanh thì khăn nhuộm đỏ, thắt lưng đỏ, thân của nhân vật là thân gà dựng đứng, hai cánh gà là hai tay, hai chân là chân người.
Quan sát mâm cỗ này, trước hết về mỹ cảm là rất đẹp và rất lạ vì độc đáo. Màu sắc hài hòa, màu xanh bánh chưng của cỏ cây thôn dã; màu trắng của gạo cơm; màu đỏ; màu vàng của hoa trái bốn mùa, một khung cảnh nông thôn phong đăng hòa cốc, trồng trọt và chăn nuôi đều phát đạt. Cỗ 7 tầng tạo một ấn tượng mạnh mẽ đối với du khách về dự hội, nêu rõ thành quả lao động một năm và đó cũng là cách mời chào du khách một cách hấp dẫn nhất.
Bên cạnh cỗ 7 tầng do ban tổ chức chuẩn bị, các gia đình trong làng cũng chuẩn bị mâm lễ vật dâng lên Đức Cao Sơn Đại vương. Lễ vật được các gia đình chuẩn bị gồm xôi gà, thanh bông, oản quả, trầu rượu … rất tươm tất. Trong đình cờ quạt, chấp kích, bát bửu được trang hoàng, trong mùi hương trầm thoang thoảng tỏa khắp nơi, mọi người đều thành kính, trang nghiêm. Các thành viên trong đội tế nam trong trang phục áo xanh, quần trắng, đội mũ, đi hia chỉnh tề đứng vào hàng ngũ để bắt đầu nghi thức tế chính trong ngày hội. Buổi tế được thực hiện theo nghi thức truyền thống. Khi đội tế nam tế xong, đội nữ dâng hương, trà, rượu lên Đức Thành hoàng.
Trong sân đình, các tiết mục múa rồng, múa lân được các nghệ nhân biểu diễn đầy hứng khởi, những màn trống hội dồn dập như thôi thúc mọi người hướng về phía sân đình. Lễ khai mạc được bắt đầu, các hồi chiêng, trống vang lên. Sau phần Ban Tổ chức tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu về dự hội là lễ đọc Chúc Văn khấn thần Cao Sơn Đại vương. Trong không khí linh thiêng, thành kính, mọi người lặng im lắng nghe vị chủ tế ôn lại công lao to lớn của Thần trong việc giúp nước, an dân, phù trì cho cuộc sống bình yên của dân làng. Đọc xong, Chúc Văn được đem hóa, các đoàn đại biểu của Trung ương, thành phố, Quận Đống Đa, Phường Phương Liên và khách thập phương vào dâng hương lễ Thành hoàng.
Nghi thức được nhiều người chờ đón là màn rước kiệu trên phố, gồm có 4 cỗ kiệu là: kiệu long đình, kiệu Ông, kiệu Bà và kiệu võng về sau này có thêm kiệu Thầy Tả Ao Tiên Sinh yểm mạch làng nghề cắt tóc. Nghi thức này được diễu hành từ phố Kim Hoa đến phố Xã Đàn rồi quay trở về đình Kim Liên tạo nên một hình ảnh đẹp và ấn tượng. Tuy nhiên, theo lệ cứ hai năm, đình Kim Liên mới tổ chức rước kiệu Thánh một lần. Đám rước chỉ được tổ chức vào các năm chẵn, còn các năm lẻ không tổ chức rước kiệu.
Lễ hội đình Kim Liên là một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng được các thế hệ con người nơi đây trân trọng, gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ nối tiếp nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống cách mạng và giữ gìn nét thuần phong mỹ tục vùng đất phía Nam của kinh thành Thăng Long xưa.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh