Hội chùa Láng
116 Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Láng Thượng là một phường của quận Đống Đa tách từ thôn Thượng và một phần thôn Trung xưa thuộc xã Yên Lãng, huyện Hoàn Long, cách trung tâm thành phố khoảng chừng 5km. Ở đây có một ngôi chùa cổ, gọi theo tên Nôm là chùa Láng hay còn gọi là chùa Cả - ngôi chùa lớn nhất cả một vùng. Chùa Láng có tên chữ là Chiêu Thiền tự. Chùa được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (1138-1175). Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ vị thiền sư nổi tiếng Từ Đạo Hạnh và hiện thân của Ngài là vua Lý Thần Tông. Sự tích về Thiền sư Từ Đạo Hạnh được ghi chép và truyền tụng rộng rãi trong dân gian, qua thần tích và các truyền thuyết về Ngài, đặc biệt là hai tác phẩm Lĩnh nam chích quái và Thiền uyển tập anh. Các tài liệu này cho rằng: Từ Đạo Hạnh vốn sinh ra ở chùa Láng, tu luyện đắc đạo, hóa ở chùa Thầy (chùa Phật Tích - Quốc Oai - Hà Nội). Thiền sư Từ Đạo Hạnh là vị sư tài giỏi, đức độ, có kiến thức sâu rộng về đạo Phật, thường đi giảng đạo ở khắp nơi. Tương truyền, thiền sư Từ Đạo Hạnh trước khi mất có nói rằng: “Sẽ thác sinh lần nữa vào trong cung và đầu thai vào nhà Sùng Hiền Hầu là tôn thất nhà Lý”. Ngài Thiền sư viên tịch cũng là ngày vợ của Sùng Hiền Hầu sinh con trai, đặt tên là Dương Hoán. Vua Lý Nhân Tông đèm bèn đem về nhận làm con nuôi và lập làm Thái Tử, sau trở thành vua Lý Thần Tông. Vua Lý Thần Tông biết kiếp trước của mình là thiền sư Từ Đạo Hạnh nên đã về làng Láng lập Chùa Nền (Đản Cơ Tự) để thờ cha mẹ là đức Từ Vinh và mẹ là Toằng Thị Loan. Sau này, con trai của Lý Thần Tông là vua Lý Anh Tông đã cho xây Chùa Láng (Chiêu Thiền Tự) để thờ cha và hiện thân cùa Ngài là thiền sư Từ Đạo Hạnh. Từ đó, hàng năm, nhân dân chọn ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch (tức ngày hóa của Ngài) để tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ đến thiền sư và cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Hội Láng đã được sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “hàng năm mùa xuân, cứ đến mồng 7 tháng 3, dân chúng tụ tập ở chùa, là hội vui nhất vùng”, còn dân gian lại đặt thành ca dao:
Nhớ ngày mùng bẩy tháng ba
Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy;
Hội Láng xưa diễn ra trong 10 ngày được 9 làng tham dự, là hội lớn nhất và hấp dẫn nhất phía Tây kinh thành Thăng Long. Vì thế, cứ10 đến 15 năm mới rước Thánh một lần, đấy là năm đại hội “phong đăng, hỏa cốc”, “dân khang vật thịnh”. Từ tháng Giêng, tháng 2, các cụ cao niên, các vị chức sắc đã bàn kén chọn thủ kiệu, hàng đô. Dân làng lo chuẩn bị lễ vật, hàng giáp làm pháo lệnh, pháo thăng thiên để cho cuộc “Đấu thần”. Đường xá dọn dẹp phong quang, đám nữ múa dâng hoa luyện tập từ sau Tết.
Đội rước gồm hai cụ thủ kiệu, là người có uy tín trong dân. Cụ thủ kiệu chân đi hia, mặc quần trắng, áo thụng xanh, đầu đội mũ tế. Các trai làng khiêng kiệu gọi là “hàng đô”, đầu đội mũ quả dưa, đóng khố ngang lưng, thắt bao đen, mình trần, quàng mảnh vải điều chéo qua vai gọi là khăn vắt.
Hội Láng bắt đầu từ ngày mùng 5 tháng 3 được tổ chức tại chùa Nền (Đản Cơ Tự) với ý nghĩa dâng lễ để bày tỏ lòng hiếu thảo, kính trọng nơi đã sinh ra Đức Thánh.
Sáng mùng 6 tháng 3, trước khi làm lễ Mộc Dục có bài khấn giải y, thất cà sa để mặc áo long bào, chứng tỏ ngày lên ngôi Hoàng đế. Năm nào hạn hán thì rước Thánh xuống chùa Tam Huyền thăm cha, phương ngôn còn truyền lại:
Hạn hán xuống thăm cha
Mùng bảy tháng ba lên thăm mẹ
Lễ rước Thánh xuống chùa Tam Huyền thăm cha cũng đầy đủ nghi thức như lên chùa Hoa Lăng thăm mẹ. Náo nhiệt, hấp dẫn là mùng 7 tháng ba với những nghi thức trang trọng và đám rước qui mô hoành tráng. Tối mùng 6 tháng ba, sau khi từ chùa Tam Huyền về, dân làng đưa tượng Thánh ra ngự ở lầu Bát giác. Nghi lễ múa chầu Thánh do 10 cô gái thanh tân thể hiện. Các cô mặc áo tứ thân, đầu vấn khăn nhiễu điều, váy lĩnh, thắt lưng hoa lý, đeo xà tích. Mỗi lòng bàn tay đỡ một ngọn nến đang cháy, mu bàn tay đeo một bông hoa. Hòa với tiếng đàn, tiếng sáo réo rắt, họ múa quanh lầu Bát giác.
Sáng sớm ngày mùng 7 tháng 3, theo hiệu lệnh của hai cụ thủ kiệu, 16 kép “hàng đô” nhanh chóng xếp thành hai hàng ở sân chùa. Theo lệnh truyền, “hàng đô” từ từ rước Thánh ở lầu Bát giác ra chỗ sập đá ngoài Tam Quan, ngự trên cỗ kiệu đã được chờ sẵn. Khi Thánh yên vị, chiêng trống nổi lên. Dứt một hồi 3 tiếng, dàn nhạc bắt đầu hòa tấu xen vào với tiếng pháo hiệu nổ. Hàng đô đặt kiệu lên vai bước ra cổng Tam Quan. Đến đây dừng lại chờ đám rước các làng khách đến hộ giá. Đám rước của 9 làng dài đến 1 cây số (7 làng thuộc tổng Hạ bao gồm làng An Hòa, làng Thành Công, làng Hạ Đình, làng Quan Hoa, làng Thượng Yên Quyết...). Đoàn rước kiệu thứ tự khởi hành: đi đầu là cờ ngũ hành, cờ bát quái, cờ tuyết mao, trống chiêng, ngựa gỗ đều che tàn. Tiếp theo là chấp kích, bát bửu, tay văn, tay võ, phường đồng văn có đám múa Trống bồng, múa Sênh Tiền, phường Bát Âm, rồi đến Long Đình, bày hương hoa, bài vị được che Tán, Lọng,cuối cùng đến Long kiệu của Thánh. Năm nào làng Mọc rước kiệu Từ Vinh lên thì kiệu Thánh đi sau của Thánh phụ. Sau kiệu Thánh là các vị chức sắc, các cụ cao niên, các vị sư sãi, cuối cùng đến dân làng và khách thập phương.
Đám rước đến cầu Yên Quyết thì dừng lại chờ kiệu Thánh “Độ Hà”, nghĩa là kiệu không đi trên cầu mà vượt qua sông. Phải làm như vậy vì xưa kia phụ than của Thánh là Từ Vinh bị đánh chết vứt xác xuống sông Tô, trôi về Yên Quyết thì dừng lại, nay nếu đi trên cầu tức là đi trên đầu của cha mình nên phải lội sông. Kiệu nặng, sông sâu, khi khênh kiệu lội sông, phải giữ được thăng bằng - ấy là một việc khó, đòi hỏi “Hàng Đô” phải tài trí, khéo léo.
Qua sông lên bờ, kiệu Thánh được múa rồng chào đón. Chỉnh trang lại đội ngũ, đám rước đi đến Cầu Giấy, xuyên qua xóm Quan Hoa, đến ngõ Vụt cách chùa Duệ khoảng nửa cây số thì có lệnh trì kiệu (dừng kiệu). Pháo chuột, pháo lệnh nổ giòn giã, pháo thăng thiên bắn về phía chùa. Pháo nổ vang trời, khói bay mù mịt, hòa với tiếng chiêng trống, thanh la, tiếng hò reo của dân chúng. Cuộc chiến “đấu thần” náo nhiệt chừng nửa giờ thì kết thúc. Đám rước về chùa Hoa Lăng, nơi thờ Thánh Mẫu Tăng Thị Loan. Đến nơi, cờ quạt, bát bửu ở ngoài, chỉ có kiệu long đình, kiệu Thánh vào sân hạ ở trước Tiền đường. Dân làng vào dâng lễ, nghỉ ngơi đến giờ Ngọ đám rước quay về chùa Láng.
Sau lễ rước, từ mồng 8 tháng ba trở đi, các vị chức sắc kỳ mục, các cụ phụ lão lần lượt tế ở chùa Láng. Đây là nét đặc biệt, chỉ có ở một vài nơi bởiđược tế trong chùa tức là Thiền sư Từ Đạo Hạnh vừa là Phật vừa là Thánh. Đến ngày 15 tháng ba, lễ tạ, làm lễ giải triều phục, mặc áo cà sa nhà Phật cho Thánh.
Đám rước lần cuối theo tục cổ truyền là năm 1953, đến năm 1995 đám rước được khôi phục, nhưng chỉ rước kiệu lên chùa Nền để Ngài thăm cha mẹ.
Ngày nayhội Láng được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng 3, nhưng không tổ chức rước như trước kia mà chỉ là hội lệ, nghĩa là không tổ chức rước kiệu Thánh mà chỉ khiêng kiệu ra nhà Bát giác ngự ở đó để cho nhân dân tấu lễ và chiêm ngưỡng.
Chiều mùng 6 tháng 3, ba thôn làng Láng khi xưa bao gồm thôn Láng Thượng, thôn Láng Trung, thôn Láng Hạ bắt đầu mang lễ lên chùa. Lễ vật của các làng dâng lên đức Thánh ngày nay được chuẩn bị khá công phu được đặt lên kiệu được rước đi bởi hàng đô là các thanh niên trẻ có sức vóc to lớn. Đến đúng giờ đã định, đoàn kiệu mới bắt đầu khởi hành. Ngày trước dân ba thôn làng phải đội lễ lên chùa, nay rước lễ bằng kiệu, có đội múa lân, múa rồng rất náo nhiệt. Đoàn rước hàng trăm người, kéo dài từ làng sang chùa Láng đã tạo nên không khí sôi nổi với cờ hoa, đèn, trống. Theo tục lệ vào buổi chiều trước ngày lễ chính, ba thôn làng Láng sẽ rước lễ tập trung tại cổng chùa rồi mang lễ vào theo thứ tự: thôn Láng Thượng, thôn Láng Trung, rồi cuối cùng là thôn Láng Hạ. Với người dân quanh vùng, việc dâng lễ lên đức Thánh có từ lâu đời nhằm bày tỏ lòng thành kính và biết ơn của nhân dân đối với công lao của Ngài. Vì vậy, dù đã trải qua hàng trăm năm, nhưng đến dịp lễ hội, dẫu có đi làm ăn xa hay bận công việc, các gia đình dòng họ vẫn cố về tham gia cùng đoàn rước và vào thắp hương lên đức Thánh trong ngày này.
Nghi thức quan trọng nhất trong ngày lễ chính là lễ Mộc Dục được diễn ra vào đúng 0 giờ ngày mùng 7 tháng 3. Sau khóa cúng Thánh của sư thầy và thầy cúng, 05 cụ cao niên trong làng được cử vào cung để bao sái đức Thánh. Sau bài khấn giải y lý nhà phật, các cụ tiến hành bao sái tượng đức Thánh bằng nước hoa bưởi tinh khiết, phong áo long bào, đội mũ miện, đi hia rồng tái hiện sự tái sinh của thiền sư Từ Đạo Hạnh thành vua Lý Thần Tông. Đây được coi là nghi lễ đặc sắc nhất của hội Láng nhưng người dân không được phép xem để đảm bảo sự tôn nghiêm và linh thiêng. Sau lễ Mộc Dục và lễ Khải Quang, người dân mới được chiêm ngưỡng Ngài từ xa. Đến ngày 15 tháng 3 là nghi lễ giải phục thay áo long bào thành áo cà sa phật cho Thánh.
Ngày mùng 7, những hội trống vang rền báo hiệu ngày chính hội được bắt đầu. Sau lễ khai mạc là phần dâng hương của người dân quanh vùng. Trong ngày hội chính, cửa hậu cung được mở, vì vậy người dân vào dâng hương có thể đi vào bên trong để chiêm ngưỡng đức Thánh. Ngày mùng 7, không phải chỉ có người dân Láng mà có rất nhiều người dân các vùng lân cận cũng đến xin được dâng hương đức Thánh. Trong khói hương nghi ngút lan tỏa, từng đoàn người xếp hàng dài, nối nhau chầm chậm và thành kính bước vào bên trong thắp nén hương thơm cầu mong đức Thánh phù hộ, độ trì cho gia đình, bản thân được mọi sự tốt lành trong cuộc sống. Tất cả các phong tục này đều xuất phát từ lễ nghi để tôn vinh đức Thánh.
Sau lễ dâng hương là phần tế lễ của các cụ ông, đội tế gồm 10 đến 15 người, trang phục theo qui định. Đám tế có phường bát âm, trống và các đạo cụ. Một nghi thức quan trọng là lễ đọc Chúc Văn nêu bật công lao to lớn của đức Thánh đối với dân làng và cầu mong Ngài phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, dân khang, vật thịnh. Chúc Văn đọc xong, được đi đốt. Các cụ ông thực hiện nghi lễ 3 tuần tửu, sau khi tế, sẽ đi vòng quanh hậu cung để dâng lễ lên Ngài. Phần tế lễ được thực hiện trong không khí trang nghiêm và cẩn trọng, đầy đủ các nghi thức theo qui định.
Tối ngày mùng 7 tại chùa thực hiện nghi thức gọi là Dẫn lục cúng khá công phu. Dẫn lục cúng là nghi thức được các triều đại phong kiến thực hiện nhằm mục đích cầu nguyện cho vua chúa trường sinh, quốc thái dân an, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Dẫn lục cúng được các Pháp sư thực thiện với 6 lễ vật gồm: Nhang, đăng, hoa, trà, quả, thực, màn Dẫn lục cúng rất đẹp mắt và mang nhiều ý nghĩa đối với người dân tới lễ hội.
Hội Láng ngoài việc tế lễ, rước Thánh còn có các trò vui chơi như nhiều hội khác. Đặc biệt ở đây có tục thổi cơm thi, người chơi không phân biệt tuổi tác, giới tính, mỗi lượt có 4 người tham gia so tài. Mỗi người được chuẩn bị một nồi đất và một bếp củi nhỏ để nấu. Việc thi rất đơn giản, ai nấu cơm ngon nhất, dẻo nhất trong thời gian qui định là người giành chiến thắng. Người chơi phải gánh nồi cơm, vừa đi vừa múa quanh nhà Bát giác, lại phải vừa nấu cơm sao cho cơm chín vừa lúc thời gian qui định. Trò chơi dân gian này thu hút rất đông người tham gia bởi luật chơi đơn giản mà hấp dẫn. Mọi người tham gia đều cố gắng được giải cao bởi những nồi cơm ngon nhất được dâng lên đức Thánh như một sự báo công và họ tin đó là sự may mắn trong một năm của mỗi người tham gia. Những nồi cơm đạt giải cao được phân phát, chia đều cho các gia đình và khách thập phương tham dự để lấy phước lộc may mắn trong một năm.
Lễ hội chùa Láng đã thể hiện một bức tranh sinh động về những nghi thức sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long xưa. Qua đó, giúp chúng ta nhận ra sự gắn kết giữa đạo và đời. Trải qua thời gian, những bản sắc của lễ hội vẫn được người dân duy trì, gìn giữ, phát huy và trao truyền cho các thế hệ nối tiếp nhằm bồi đắp ngày thêm phong phú, góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa dân gian của Thăng Long – Hà Nội trong suốt 1000 năm hội tụ và lan tỏa.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh