Lễ hội đình Khương Thượng
số 165 phố Khương Thượng, Quận Đống Đa, TP Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Đình Khương Thượng tọa lạc tại số nhà 165, phố Khương Thượng, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Thời Lê, di tích thuộc đất phủ Thường Tín, huyện Thanh Trì. Đến thời thời Nguyễn, Khương Thượng thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức.
Đình thờ Thần Hoàng làng là một thiên thần,tước hiệu: Phổ Hoá Hoằng Tĩnh Chiêu Cảm Đại Vương, nhân dân gọi là thần Quy Động (tức gò Rùa). Câu chuyện về thần Quy Độngđược dân làng truyền rằng: Xưa,người trong làng thường bị ốm đau, bệnh tật.Một đêm trên gò Rùa thấy phát hào quang sáng rực, làng bèn lập miếu thờ, từ đó, nhân dân mới được yên ổn, thịnh vượng.
Đời Cao Biền nhà Đường sang cai trị nước ta đã phong cho thần là Phổ Hóa Hoằng Tĩnh Chiêu Cảm Đại Vương. Khi vua Lý Thái Tổ đắp thành Đại La, một đêm đã ngự giá vào miếu Ngài, được thần báo mộng nên mới đắp xong Thành. Thời nhà Lê, trong nước giặc đã nổi lên quấy phá, nhà vua đã xa giá tới miếu Quy Sơn để mật trình, nhờ thế mà dẹp yên được giặc. Vua Lê bèn ban cấp cho làng Khương Thượng 7 mẫu ruộng công điền để hương khói.
Trải qua các triều đại, thần đều được triều đình ban tặng sắc phong để tỏ rõ sự linh ứng. Theo thống kê của Viện Viễn Đông Bác Cổ kê khai năm 1938 thì trong đình Khương Thượng có tới 20 đạo sắc phong, trong đó có 12 sắc đời Lê, 2 sắc đời Tây Sơn, 6 sắc đời Nguyễn.
Lễ hội đình Khương Thượng được tổ chức từ ngày mùng 11 đến ngày 13 tháng hai (âm lịch). Ngày chính hội là ngày 12 tháng 2.
Từ cuối tháng Giêng, ban tổ chức đã họp bàn để lên kế hoạch chi tiết cho ngày hội, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Ban khánh tiếtlựa chọn người viết văn tế và cử người tham dự vào đội tế, đoàn thanh niên lựa chọn các “hàng đô” khiêng kiệu, hội phụ nữ chuẩn bị hậu cần, sắm lễ…v.v….
Thành phần tham dự lễ hội: Gồm tất cả các gia đình trong làng Khương Thượng, các đoàn thể, quan khách và những bà consinh sống xa quê nhưng đến ngày lễ hội cũng về dự đông đủ.
Lễ vật dâng cúng gồm: Xôi gà, xôi gấc, lợn, hương đăng, oản phẩm, thanh bông, trà rượu, kim ngân được ban tổ chức chuẩn bị. Ngoài lễ chung, các dòng họ và các gia đình đều có mâm lễ thành kính dâng lên đức Thánh cầu mong một năm làm ăn xuôi chèo mát mái, công việc hanh thông, phát đạt.
Trong hai ngày mùng 09 và ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch: Bà con ra đình quét dọn, bao sái đồ thờ, làm lễ Mộc dục cho đức Thành hoàng. Kiệu long đình, chấp kích, bát bửu, tán, lọng… được kê ra ngoài sân, phía ngoài cổng và khắp con phố Khương Thượng, cờ thần, cờ chuối, băng rôn, khẩu hiệu được trang trí rực rỡ sắc màu.
Buổi sáng ngày mùng 9, có các hoạt động vui chơi như: Hội thi chim vành khuyên diễn ra trong sân đình và hội thi câu cá tại hồ bán nguyệt phía trước đình.
Ngày mùng 10 tháng 2: Buổi sáng các chương trình biểu diễn văn nghệ tại sân đình như: Múa quạt, hát chầu văn, biểu diễn dân ca quan họ, chiều cùng ngày tổ chức giao hữu thể thao giữa phường Khương Thượng với các địa phương bạn.
Ngày 11 tháng 2: Các hoạt động chuẩn bị cho ngày chính hội đã hoàn tất. Từ sáng các tiết mục múa lân, múa sư tử, biểu diễn thể dục dưỡng sinh và các tiết mục văn nghệ được các câu lạc bộ biểu diễn cùng màn trống khai hội thật náo nhiệt. Sau đó lễ tế yết cáo Thành hoàng được các cụ ông thực hiện. Buổi tối, các chương trình văn nghệ của các khu dân cư biểu diễn cho đến tận đêm khuya.
Ngày 12 tháng 2 (ngày chính hội): Từ sáng sớm, trong sân đình các tiết mục văn nghệ như: hát quan họ, hát ca trù, chầu văn rộn ràng trong nhịp trống, nhịp chiêng và các âm thanh của phường bát âm, trong khi đó ngoài cổng đình hoạt động xin chữ cầu may tấp nập, hối hả. Dường như mỗi người khi đi du xuân đầu năm, sau khi thắp hương lên đức Thánh đều không quên việc “xin chữ” cho con em mình với mong muốn con cháu học hành chăm chỉ, thành tài. Đây cũng là nét văn hóa truyền thống của người Việt từ xưa tới nay.
Tại các con ngõ hướng tới đình làng, bà con trong trang phục truyền thống lịch sự, vẻ mặt hân hoan, phấn khích với những mâm lễ vgaatj đa dạng hương vị vùng miền độitrên đầu tiến về phía cổng đình.
Đúng 8h sáng, đội tế nam bắt đầu nghi lễ tế Thần theo qui định. Nghi lễ này kéo dài trong khoảng gần 2 tiếng thì kết thúc, các cơ quan, đoàn thể, các dòng họ tiến hành dâng lễ lên đức Thánh. Trước linh vị của đức Thượng đẳng, mọi người kính cẩn, trang nghiêm, lần lượt, chậm rãi thắp nén hương thơm và cầu nguyện cho quốc thái dân an, mọi nhà hạnh phúc, bình yên, no đủ. Buổi chiều có các hoạt động văn nghệ như hát chèo, hát quan họ trên thuyền ở hồ bán nguyệt phía trước đình làng.
Ngày 13, ban tổ chức làm lễ tạ, tế thần yên vị và đóng cửa đình.
Lễ hội đình Khương Thượng thu hút đông đảo người dân tham gia, là hoạt động sinh hoạt văn hóa tâm linh bổ ích, lành mạnh, nhằm giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng, ý thức trách nhiệm với di sản văn hóa của quê hương, góp phần bảo lưu bản sắc văn hóa truyền thống của Thăng Long – Hà Nội trong quá trình hội nhập, giao lưu và lan tỏa.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh