Lễ hội đình Trung Tự
Ngõ 198 Xã Đàn, phường Phương Liên, quận Đống Đa
0243 851 1306
Giới thiệu
Đình Trung Tự còn có tên gọi khác là đình Đông Tác ( tức gọi theo tên địa danh cũ của làng Trung Tự), tọa lạc tại ngõ 198 Xã Đàn, phường Phương Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Thời Lê, nguyên là phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, nằm chính giữa phía nam kinh thành Thăng Long. Đến đầu thế kỷ 19, Trung Tự thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức.
Đình thờ thần Cao Sơn Đại Vương – vị thần trấn giữ phía Nam cho kinh đô Thăng Long, được thờ ở rất nhiều nơi trong địa bàn cư trú của người Việt. Thần Cao Sơn được thờ chính tại đình (đền) Kim Liên, quận Đống Đa. Theo truyền thuyết thì Cao Sơn chính là một trong 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi, rồi trở thành bộ tướng của Sơn Tinh trong đền núi Tản Viên (Ba Vì) do có công giúp vua Hùng dẹp tan giặc Thục. Trải qua thời gian cùng sự dịch chuyển của tâm thức dân gian, thần Cao Sơn được suy tôn trở thành một trong “Thăng Long tứ trấn” - vị thần trấn giữ phía Nam, bảo vệ cho kinh đô Thăng Long xưa.
Ngoài thờ thần Cao Sơn Đại Vương, đình Trung Tự còn phối thờ Huệ Minh Công Chúa và Phúc thần Đại Vương Nguyễn Hy Quang (1634-1692), người làng Trung Tự đã có đóng góp rất lớn đối với dân làng trong việc đòi lại đất bị quan lại chiếm đoạt từ nhiều đời trước. Trải qua nhiều lần xét xử, đến năm1674, người dân Đông Tác - Trung Tự đã được trở về phục nghiệp trên đất cũ của mình. Sau đó ông bỏ tiền lương cùng dân làng sửa sang làng xóm, tạo dựng quê hương. Sau khi ông qua đời, dân làng Trung Tự đã phối thờ ông làm Phúc Thần ở đình làng cùng với thần Cao Sơn Đại Vương và Huệ Minh Công Chúa.
Tưởng nhớ đến ân đức của các vị Thần hoàng, hàng năm dân làng Trung Tự tổ chức lễ hội từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 3 (âm lịch). Ngày chính hội là ngày 15 tháng 3.
Cũng như các lễ hội truyền thống, từ đầu tháng 3, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được ban tổ chức họp bàn với các đoàn thể trong phường, gồm ban khánh tiết, hội người cao tuổi, hội phụ nữ, đoàn thanh niên để lên kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Khâu quan trọng nhất là lựa chọn người viết văn tế phải có kiến thức uyên thâm, văn hay chữ tốt, gia đình vẹn toàn. Văn tế viết xong, thông qua ban tổ chức kiểm duyệt và đặt lên ban thờ Thành hoàng. Đoàn Thanh niên lựa chọn các “Hàng Đô” tham gia vào đội rước kiệu trong ngày lễ hội, ban Khánh tiết cử người tham dự vào đội tế, hội Phụ nữ chuẩn bị khâu hậu cần, sắm lễ…v.v….
Từ chiều ngày 13 tháng 3: Buổi sáng, ban khánh tiết đã mở cửa đình, bao sái đồ thờ, làm lễ Mộc Dục cho Thần hoàng. Trong đình, các đồ thờ được sắp xếp, bài trí ngăn nắp; cờ Thần, cờ Ngũ Hành được treo trước cổng và ngoài phố; Kiệu rước, Bát bửu, Chấp kích được bài trí trước án thờ để bà con có dịp chiêm bái trong ngày hội. Buổi chiều, trong khi đội tế nam làm lễ tế yết cáo Thần hoàng tại đình Trung Tự thì bên chùa thực hiện nghi lễ tụng kinh, niệm Phật cầu mong cho mọi nhà bình yên, các hoạt động của lễ hội diễn ra thuận lợi, tốt đẹp.
Ngày 14 tháng 3: Buổi sáng diễn ra các hoạt động văn nghệ, thể thao như múa lân, múa sư tử, bóng bàn, cờ tướng. Buổi chiều đội tế nam tế lễ Thành hoàng theo truyền thống. Sau nghi thức tế lễ, các dòng họ và các gia đình trong làng tổ chức dâng lễ vật lên đức Thánh. Lễ vật bao gồm: Xôi gà, thủ lợn, thanh bông, kim ngân cùng những đặc sản của các vùng miền được thành tâm cung kính dâng lên Thần hoàng với ước nguyện cầu mong thần phù hộ cho một năm mọi việc làm ăn được hanh thông, thuận lợi, đời sống nhân dân được yên ổn, ấm no, hạnh phúc.
Buổi tối, Ban tổ chức lễ hội và bà con trong phường tập trung tại sân đình chuẩn bị cho ngày lễ chính vào hôm sau và thưởng thức các tiết mục văn nghệ chào mừng lễ hội được các đoàn nghệ thuật, các câu lạc bộ trong phường biểu diễn.
Ngày 15 tháng 3 (ngày chính hội): Từ từ 6h sáng, ban tổ chức, bà con nhân dân và khách thập đã tề tựu đông đủ tại sân đình, nghi lễ tế thần được thực hiện trong sự kính cẩn, trang nghiêm, sau đó kiệu đức Thánh được rước từ đình sang chùa Trung Tự để lễ Phật. Khi làm lễ xong, kiệu lại được rước trở lại đình để khai mạc lễ hội.
Đúng 8h, các hồi trống, chiêng vang lên báo hiệu lễ khai mạc chuẩn bị bắt đầu. Trong đình mùi hương trầm thoang thoảng bao phủ khắp nơi khiến cho không khí lễ hội càng trở nên linh thiêng, huyền bí. Bên ngoài sân, các nghệ sĩ trình diễn múa sư tử, múa lân rộn ràng. Sau ba hồi trống, ba hồi chiêng, Ban tổ chức bắt đầu khai mạc lễ hội. Diễn văn khai mạc được Trưởng ban tổ chức trịnh trọng công bố trước bà con dự hội, sau đó ông Thủ từ thỉnh ba hồi trống, ba hồi chiêng, lễ tuyên Chúc Văn thần Cao Sơn Đại Vương được bắt đầu. Khi Chúc Văn đọc xong được mang đi hóa với ý nghĩa những điều ước nguyện của nhân dân sẽ đến được với các vị Thần hoàng. Lúc này đại diện các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức và bà con nhân dân vào dâng hương, lễ Thánh.
Theo lệ, cứ hai năm, vào những năm chẵn làng Trung Tự lại tổ chức rước kiệu truyền thống. Đoàn rước diễu hành theo kế hoạch đã được ban tổ chức sắp xếp, phân công. Đi đầu đoàn rước là biển tên lễ hội đình Trung Tự, tiếp theo là đội cờ Ngũ Sắc, đội Trống, đội Chiêng, Tàn, Tán, Lọng, Bát Bửu, Chấp Kích, phường Bát Âm, múa Sênh Tiền, đội tế nam, đội dâng hương nữ, đội nghi lễ nữ, đội Trống Khẩu. Đội khiêng kiệu gồm có 3 kiệu: Kiệu Long Đình, Kiệu Ông, Kiệu Bà đều được các “Hàng Đô” trong trang phục áo thụng đỏ thắt lưng màu vàng, đầu vấn khăn, chân đi giày. Theo sau đoàn rước là các vị đại biểu, quan khách và quần chúng nhân dân. Đoàn rước đi từ đình Trung Tự ra phố Xã Đàn, đến địa phận Cống Chẹm sau đó quay về đình Trung Tự thì kết thúc buổi rước. Khi khi kiệu Thánh đã an vị, nhân dân và du khách tiếp tục vào dâng hương lễ Thánh.
Buổi chiều cùng ngày, đội tế nam làm lễ tế thần, sau đó nhân dân địa phương và du khách vào dâng lễ lên Thánh.
Ngày 16 tháng 3: Ban khánh tiết làm lễ tạ thần, kết thúc lễ hội.
Lễ hội đình Trung Tự là sự đoàn kết, gắn bó bao đời nay của cộng đồng dân cư làng xã thông qua những sinh hoạt văn hóa tâm linh truyền thống, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân đối với những vị thần linh đã có công khai phá, mở mang bờ cõi, phù giúp cuộc sống thường nhật cho dân làng. Đến với lễ hội, người dân được thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tạo động lực trong cuộc sống, hướng con người tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh