Lễ hội đình Trung Phụng
Số 43, ngõ 165, ngõ chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, quận Đống Đa
0243 851 1306
Giới thiệu
Đình Trung Phụng là tên gọi theo địa danh của làng Trung Phụng xưa, nay thuộc số 43, ngõ 165, ngõ chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Trung Phụng vốn là đất của hai thôn Phụng Thánh và Thị Trung hợp nhất vào khoảng giữa thế kỷ XIX, thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội. Đầu thế kỷ XX, Trung Phụng thuộc tổng Vĩnh An, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông.
Đình Trung Phụng thờ thần Cao Sơn Đại Vương – Vị thần trấn giữ phía Nam cho kinh đô Thăng Long xưa. Theo truyền thuyết, thần Cao Sơn vốn là con của Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ, là một trong 50 người con theo mẹ lên núi, sau trở thành một bộ tướng của Sơn Tinh (tức thánh Tản Viên). Cao Sơn có công giúp Sơn Tinh đánh Thủy Tinh và bộ tộc người Âu trong cuộc chiến tranh Hùng – Thục nên được thờ ở vị trí thứ2 trong đền núi Tản Viên (Ba Vì).Đến thời Lê, khi vua Lê Tương Dực giấy quân dẹp loạn, khôi phục cơ nghiệp lớn của Lê Lợi được thần ngầm giúp, báo mộng, chỉ trong 10 ngày đã thành công.Để nhớ ơn thần, năm 1509, vua cho xây dựng lại đền thờ to đẹp hơn ở phường Kim Hoa gần thành Thăng Long thời bấy giờ (nay là Kim Liên).
Sau này, nhiều làng quê trong khu vực đồng bằng Bắc bộ đã thờ thần Cao Sơn làm Thành hoàng làng trong đó có đình làng Trung Phụng.
Trước đây, lễ hội đình Trung Phụng được tổ chức vào ngày 15 tháng 3 (âm lịch) – theo ngày sinh của đức Thành hoàng. Ngày nay, làng Trung Phụng mở hội từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 3. Để chuẩn bị cho lễ hội, từ đầu tháng 3, Ban Khánh tiết, hội người cao tuổi đã họp bàn để phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và lựa chọn người viết văn tế. Ngày 14 tháng 3, mở cửa đình làm lễ Mộc dục, bao sái đồ thờ, trang trí cờ, biểu ngữ, sắp xếp bàn ghế chuẩn bị cho ngày hôm sau.
Lễ vật dâng cúng Thần hoàng gồm: Xôi gấc, gà luộc xếp thành các hình rất công phu cùng hương hoa, oản quả, các sản vật của địa phương, trà, nước, rượu, kim ngân… được Ban tổ chức chuẩn bị thịnh soạn với tấm lòng thành kính dâng lên cung Thánh.
Sáng ngày 15, từ rất sớm, bà con trong phường đã tề tựu đông đủ tại đình làng. Các thành viên trong ban tổ chức ai vào việc ấy, không khí lễ hội mỗi lúc thêm náo nhiệt, tiếng trống hội, tiếng chiêng xen lẫn điệu hát văn cùng mùi hương trầmnhư dẫn bước chân du khách đến với lễ hội ngày một đông hơn. Sau khi đại diện chính quyền phường tuyên bố khai mạc lễ hội, nghi thức tế lễ và dâng hương được bắt đầu.
Đội tế nữ gồm 12 người, những người tham dự đều phải đáp ứng tiêu chí: Gia đình song toàn, không có tang chế mới được tham gia đội tế. Các thành viên trong trang phục áo xanh, quần trắng, đầu đội mũ, chân đi hia chỉnh tề đứng thành hai hàng cung kính trước án thờ Đức Cao Sơn Đại Vương. Sau các tuần dâng trà, rượu…theo nghi thức, Chủ Tế đọc Chúc Văn ca ngợi công lao to lớn của thần Cao Sơn Đại Vương đối với đất nước, nhân dân; đồng thời kính xin Ngài tiếp tục chở che, phù hộ cho dân làng được no ấm, sung túc, mưa gió thuận hòa, dân khang vật thịnh…
Sau nghi thức tế lễ, các đoàn thể, nhân dân trong phường và khách thập phương dâng lên đức Thần hoàng làng những mâm lễ vật đầy đủ màu sắc, hương vị trong sự tôn kính, nghiêm trang. Mặc dù rất đông người dự lễ nhưng mọi ngườivẫn thành kính, trật tự, không chen lấn, xô đẩy gây phản cảm trong lễ hội. Những hoạt động như tiếp đón khách thập phương, ghi nhận công đức, phát lộc cầu may… đều được Ban tổ chức lễ hội chuẩn bị chu đáo, nhiệt tình, công khai.
Buổi trưa, Ban tổ chức mời các đại biểu, bà con tham dự thụ lộc tại đình với ý nghĩa cầu mong sự may mắn trong cả một năm.
Buổi chiều, tại sân đình có biểu diễn văn nghệ dân gian, hát chầu văn, chèo, quan họ, múa quạt đem đến không khí tươi vui và phấn chấn cho lễ hội.
Sang ngày 16 và ngày 17, lễ hội tiếp tục được duy trì. Nghi thức tế lễ, dâng hương được ban khánh tiết duy trì theo qui định. Trưa ngày 17 tháng 3, Ban tổ chức làm lễ tế giã đám, kết thúc 3 ngày hội.
Lễ hội đình Trung Phụng là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là dịp để mỗi người dân được giao lưu văn hóa, trải nghiệm những nghi thức sinh hoạt tâm linh đầy ý nghĩa, góp phần bảo lưu, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, các thuần phong mỹ tục của quê hương nhằm làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa dân gian truyền thống của thủ đô. Đến với lễ hội, mỗi người như được trở về nguồn cội, thỏa mãn nhu cầu tâm linh để có thêm ý chí, nghị lực vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, hướng con người tới những giá trị chân - thiện - mỹ...
Bản đồ
Địa điểm xung quanh