Lễ hội đình Thổ Quan
Số 133 Ngõ Thổ Quan, Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Đình Thổ Quan tọa lạc tại số 133, ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Thổ Quan là tên gọi được sáp nhập bởi hai thôn Quan Thổ thuộc tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương và thôn Quan Trạm thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận từ giữa thế kỷ XIX.
Đình Thổ Quan thờ 3 anh em họ Đào là Hiển Hựu, Phương Dung và Quý Minh,họ vốn người Thanh Hóa di cư tới làng Thổ Quan. Thần tích kể lại rằng mẹ của ba vị nằm mộng thấy Tiên cho ăn ba quả đào, sau đó có thai sinh ra ba anh em và đặt luôn là họ Đào. Năm 40 sau công nguyên, khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Đông Hán, 3 anh em họ Đào đã chiêu mộ binh sĩ đi theo Hai Bà đánh giặc. Dấu tích còn lại ở Thổ Quan đến ngày nay là một số tên địa danh cổ như: Ống Lệnh, Bãi Trận, Hồ Đồn, …tương truyền đó là những nơi nghĩa quân họ Đào nổ ống lệnh xuất quân, đóng đồn và tập trận…
Sau đó ba anh em sang xứ Kinh Bắc chiêu mộ thêm binh lính cùng các tướng lĩnh của Hai Bà chiến đấu với quân của Tô Định. Năm 43, Mã Viện đem quân sang đánh, sau khi chống cự không nổi, Hai Bà Trưng đã trẫm mình xuống dòng nước sông Hát để giữ trọn khí tiết. Ba anh em họ Đào tiếp tục xây dựng đồn lũy chống giặc cho tới phút cuối cùng. Trong đình hiện nay vẫn còn đôi câu đối ca ngợi sự nghiệp của ba vị:
Nhất thi khảng khái anh hùng lệ
Bách chiến quan hà cố quốc tâm
Tạm dịch:
Khảng khái một bài thơ, anh hùng nhỏ lệ
Quan hà trăm trận đánh, nước cũ ghi lòng.
Trải qua các triều đại, các thần đều hiển linh, phù hộ cho quốc thái dân an, thái bình thịnh trị và được gia phong mỹ tự là “Thượng đẳng phúc thần”. Hàng năm cho phép dân làng tổ chức lễ cúng ngày sinh vị thứ nhất và vị thứ hai vào ngày 12 tháng 2 (âm lịch). Lễ cúng ngày sinh vị thứ 3 vào ngày 15 tháng 7 âm lịch.
Lễ hội đình Thổ Quan hàng năm được tổ chức vào ngày 12 tháng 2 âm lịch.
Từ đầu tháng 2, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được tiến hành, Ban tổ chức lễ hội đã phải họp bàn, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, các đồ thờ trong đình được bao sái, xếp đặt ngăn nắp, cờ thần, cờ ngũ hành được treo khắp phố, nghi thức làm lễ Mộc dục được tiến hành rất cẩn trọng từ ngày hôm trước.
Thành phần tham dự lễ hội: Trước đây các trai đinh trong làng từ 18 tuổi trở lên, nếu gia đình không có tang chế đều được tham gia đầy đủ. Ngày nay, lễ hội thu hút đông đảo bà con khối phố, các cơ quan đoàn thể, du khách thập phương và nhân dân trong vùng.
Lễ vật dâng cúng gồm: Xôi gà, trầu rượu, hương đăng, thanh bông, oản phẩm, kim ngân.. được ban tổ chức lễ hội chuẩn bị chu đáo. Ngoài ra, các dòng họ trong làng đều có lễ dâng lên Đức Thánh. Lễ vật to nhỏ tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi dòng họ, gia đình, cái cốt yếu là ở sự thành tâm.
Ngày 11 tháng 2: Từ sáng sớm, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được hoàn tất. Buổi chiều, sau nghi thức tế cáo yết Thành hoàng, các tiết mục văn nghệ biểu diễn cho tới tận tối khuya.
Ngày 12 tháng 2: Từ rất sớm, bà con trong phường với trang phục lịch sự, trang nghiêm đã đến đình để dự lễ.Khi các ban ngành, đoàn thể, các vị đại biểu, chức sắc đã có mặt đông đủ, màn trống khai hội được vang lên, đội múa rồng, múa lân biểu diễn để chào mừng lễ hội. Ban Tổ chức tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu. Ông trưởng ban tổ chức lễ hội đọcdiễn văn khai hội, ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân làng Thổ Quan, khẳng định công đức to lớn của ba vị Thành hoàng đối với lịch sử đất nước, lịch sử địa phương và cuộc sống tinh thần của nhân dân, cầu mong Thần hãy tiếp tục chở che, phù giúp cho đất nước được trường tồn, cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc...
Sau diễn văn, các ban, ngành, đoàn thể, khách thập phương, các dòng họ trong làng và bà con khối phố vào đình dâng lễ, thắp nén hương thơm lên đức Thần hoàng trong sự trang nghiêm, thành kính.
Tiếp sau, nghi thức tế lễ được tiến hành với sự tham gia của đội tế nam gồm 12 người trong trang phục truyền thống, mọi người chỉnh tề đứng thành hai hàng trước án thờ. Lần lượt các tuần dâng rượu, trà, nước dâng lên đức Thành hoàng, nghi thức này kéo dài trong khoảng hơn 1h đồng hồ thì kết thúc. Các tiết mục văn nghệ diễn ra trong khu vực sân đình với sự tham gia của nhiều câu lạc bộ nghệ thuật trong phường Thổ Quan biểu diễn như: Hát chèo, hát quan họ, biểu diễn ca trù, múa Sênh Tiền. Đặc biệt là điệu ca trù “Đào luồn kép” cuốn hút người dự hội với lời ca dồn dập, nối câu thơ như một Đào một Kép song ca. Đào gõ sênh, Kép hát lại theo âm vang dồn dập của trống lớn, trống con, chiêng to, đàn đáy… cùng các màn biểu diễn múa đao, múa kiếm của các nghệ sĩ mô phỏng lại trận đánh của nghĩa quân Hai Bà Trưng năm xưa thật oai linh và hùng dũng.
Đến với lễ hội đình Thổ Quan, mỗi người dân càng thêm yêu quê hương, đất nước, biết ơn những anh hùng dân tộc, tự hào bởi truyền thống kiên cường bất khuất của các thế hệ người làng Thổ Quan từ bao đời nay đã đấu tranhđể bảo vệ xóm làng. Lễ hội là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, thể hiện khát vọng của nhân dân cầu mong một cuộc sống hòa bình, an lạc, ấm no, hạnh phúc, hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh