Lễ hội đình Nam Đồng
Số 73, phố Nguyễn Lương Bằng phường Nam Đồng, quận Đống Đa
0243 851 1306
Giới thiệu
Đình Nam Đồng có địa chỉ tại số 73, phố Nguyễn Lương Bằngphường Nam Đồng, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội.Đình thờ Thái uý Lý Thường Kiệt, người anh hùng dân tộc ở thế kỷ XI đã có công phá Tống, bình Chiêm, bảo vệ đất nước.Sau trận đánh trên sông Như Nguyệt 1076, ông được vua ban về đóng quân ở trại Nam Đồng. Lý Thường Kiệt đã đưa dân đến đây, để lập trại, dạy dân cách làm ăn và cho hưởng rất nhiều quyền lợi để khai hoang sinh sống. Sau khi ông mất,vua Lý Nhân Tông cho lập đền thờ ở nhiều nơi để đời đời thờ phụng. Ông được nhân dân Nam Đồng tôn là Thành hoàng làng, tương truyền mộ ông còn ở đất làng Nam Đồng.
Để tưởng nhớ công đức của ông, hàng năm,nhân dân Nam Đồng đều tổ chức lễ hội vào ngày sinh và ngày hóa của Thần. Ngày sinh là ngày 17 tháng 2 và ngày hóa mùng 2 tháng 6 ( tính theo âm lịch). Lễ hội chính được diễn ra vào ngày 17 tháng 2.
Công tác chuẩn bị: Được tiến hành từ sau ngàyrằm tháng Giêng, Ban tổ chức lễ hội đã phải họp bàn, chuẩn bị cho ngày hội, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, ban khánh tiết, ban hậu cần, lựa chọn người viết văn tế…, các đồ thờ trong đình được bao sái, bài trí ngăn nắp, cờ thần, cờ ngũ hành được treo khắp phố.
Thành phần tham dự: Theo lệ từ xưa tất cả các trai đinh trong làng từ 18 tuổi trở lên, nếu trong gia đình không có tang chế đều được tham gia đầy đủ. Ngày nay, tuy điều kiện kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi, nhưng lễ hội vẫn thu hút được đông đảo bà con trong làng và du khách thập phương về dự đông đủ.
Lễ vật dâng cúng: Gồm lễ mặn, lễ chay, thanh bông, kim ngân, trà rượu do ban tổ chức chuẩn bị từ hôm trước để làm lễ yết cáo Thần hoàng. Ngoài lễ chung, các gia đình trong làng và các dòng họ đều có mâm lễ giêng thể hiện lòng cung kính đối với đức Thánh của làng.
Ngày 16 tháng 2: Từ sáng sớm, ban khánh tiết cùng nhân dân trong phường quét dọn, bài trí, bao sái đồ thờ, chuẩn bịcờ quạt, bát bửu, chấp kích, kiếm, lọng, kiệu long đình được bài trí trước án thờ. Ngoài phố Nguyễn Lương Bằng cờ thần, cờ chuối, cờ đuôi nheo được treo khắp nơi để báo hiệu cho nhân dân và du khách ngày hội của đình.
Từ chiều ngày 16 tháng 2: Ban khánh tiết làm lễ yết cáo Thần hoàng, sau đó đội tế nam làm nhiệm vụ, không khí lễ hội tràn ngập mọi nơi khi các tiết mục múa lân, múa sư tử, trống hội biểu diễn trước sân đình. Hát cửa đình được các câu lạc bộ biểu diễn cho tới tận đêm khuya.
Ngày 17 tháng 2: Từ sáng sớm tinh mơ, cửa đình đã mở, trống hội sân đình đã vang lên rộn rã. Khoảng 7h sáng, dòng người tấp nập đổ về sân đình với đủ các loại trang phục và lễ phẩm dâng cúng. Đội tế nam bắt đầu nghi thức tế lễ. Theo hiệu lệnh của ông chủ tế, các tuần dâng trà, rượu… được thực hiện trong sự kính cẩn, trang nghiêm. Ông chủ tế trịnh trọng đọc văn tế ca ngợi công lao to lớn của Thái úy Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt đối với đất nước, nhân dân và cầu mong thần phù hộ cho dân làng một năm dân khang, vật thịnh, nhà nhà yên ấm.
Sau khi đội tế nam kết thúc, đội dâng hương nữ và bà con nhân dân dâng lễ phẩm lên đức Thánh.
Đúng 8h30, màn trống khai hội bắt đầu, các tiết mục múa lân, múa sư tử, múa xênh tiền rộn ràng trước sân đình trong sự chứng kiến và cổ vũ của bà con dự hội. Người đổ về lễ hội mỗi lúc một đông, các gia đình với những mâm lễ phẩm cung kính dâng đức Thánh.
9h, ban tổ chức lễ hội tuyên bố khai mạc, giới thiệu thành phần đại biểu, sau đó mọi người lắng nghe đọc thần phả ôn lại công lao và những chiến công của Thái úy Việt Quốc công Lý Thường Kiệt đối với vương triều Lý, sau đó các đoàn thể, khách thập phương và các dòng họ trong làng vào dâng hương lễ Thánh. Buổi trưa, khách thập phương được mời dự thụ lộc tại đình với ý nghĩa cầu mong sự may mắn trong suốt một năm.
Buổi chiều, tiếp tục đón nhân dân vào lễ Thánh, sau đó là những tiết mục văn nghệ và các trò chơi. Đến xế chiều các cụ ông trong trang phục tế lễ làm lễ giã hội.
Ngoài lễ hội chính nêu trên, xưa kia vào ngày mùng 5 tết Nguyên Đán hàng năm, các cụ bô lão và dân làng Nam Đồng tổ chức rước kiệu xuống Gò Đống Đa để tham gia lễ hội Đống Đa tưởng nhớ người anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Lễ hội đình Nam Đồng từ bao đời nay luôn được các tầng lớp nhân dân địa phương tôn vinh, gìn giữ, phát huy thể hiện sự biết ơn đối với người anh hùng dân tộc - nhà quân sự lỗi lạc ở thế kỷ XI, đồng thời giáo dục cho các thế hệ trẻ luôn hướng về nguồn cội, thêm yêu quê hương, đất nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và cầu mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh