Lễ hội đình Hoàng Cầu
Số 40, Phố Nguyễn Phúc Lai, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Đình Hoàng Cầu có địa chỉ tại số 40, phố Nguyễn Phúc Lai, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đình Hoàng Cầu là tên gọi theo địa danh của thôn Hoàng Cầu, nguyên là một xóm trại của phường Thịnh Hào thời Lê. Sang thời Nguyễn, phường này trở thành một làng lớn thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Đình thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Ông quê làng Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội ngày nay.
Phùng Hưng tên tự là Công Phấn, dòng dõi đời đời làm Quan Lang, là hào trưởng đất Đường Lâm, người có uy tín lớn đối với nhân dân trong vùng. Vào khoảng nửa sau thế kỷ thứ VIII, Cao Chính Bình được cử sang làm Đô Hộ An Nam. Tên này đã ra sức bóc lột khiến cho đời sống nhân dân vô cùng khổ cực, lầm than. Vào khoảng đời Đại Lịch (766-779), Phùng Hưng cùng hai anh em là Phùng Hải và Phùng Dĩnh phát động một cuộc khởi nghĩa lớn chống lại chính quyền đô hộ nhà Đường. Cuộc khởi nghĩa kéo dài hơn 20 năm, đến năm 791 nghĩa quân của Phùng Hưng kéo về bao vây thành Tống Bình (Hà Nội).
Tướng giặc là Cao Chính Bình đem quân ra ngoài thành nghênh chiến nhưng bị thua to nên đã lo sợ, phát bệnh mà chết. Phùng Hưng vào Phủ thành, tổ chức việc cai trị trong cả nước, xây dựng nền độc lập lâu dài. Nhưng chẳng bao lâu, ông lâm bệnh rồi mất, nhân dân thương tiếc suy tôn Phùng Hưng là Bố Cái Đại Vương coi như cha mẹ của nhân dân và lập đền thờ ông ở quê hương (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Nhiều làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ đã suy tôn ông làm Thành hoàng làng, trong đó có làng Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Ngoài thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, đình Hoàng Cầu còn phối thờ thêm 4 vị nữa là: Phùng An, Bảo Hoa Nương Công Chúa (là con của Phùng Hưng), Cao Sơn Đại Vương, Bạch Mã Đại Vương (vị thần trấn giữ phía Nam và phí Đông cho kinh đô Thăng Long).
Hàng năm, lễ hội đình Hoàng Cầu được tổ chức vào ngày 12 tháng 2 âm lịch. Để chuẩn bị cho lễ hội, từ nhiều ngày trước hội, Ban tổ chức đã họp bàn, lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, cử người viết văn tế…Trước ngày hội chính, bà con trong phường ra đình làng quét dọn, bao sái đồ thờ, làm lễ Mộc Dục thay áo cho Thần hoàng. Trong đình, các đồ tế khí được sắp đặt trang hoàng. Trên khắp con phố Nguyễn Phúc Lai Cờ Thần, Cờ Lệnh, Cờ Đuôi Nheo, Cờ Chuối, đèn lồng… với đủ sắc màu như báo hiệu với bà con và du khách thập phương ngày hội lớn của làng.
Lễ vật dâng cúng gồm: Lễ mặn, lễ chay, thanh bông, kim ngân, trà rượu do ban tổ chức chuẩn bị từ hôm trước để làm lễ yết cáo Thần hoàng. Ngoài lễ chung, các gia đình trong làng đều có lễ riêng để sáng sớm hôm sau dâng lên Đức Thánh.
Cũng như lễ hội của nhiều làng quê, vào ngày lễ chính (12 tháng 2), từ sáng sớm, không khí lễ hội đã náo nhiệt, bà con tề tựu đông đủ tại đình với những trang phục rực rỡ, tươi tắn. Sau khi Ban tổ chức tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu khai mạc, các vị đại biểu và nhân dân lắng nghe đọc bản thần phả về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng để hiểu rõ thêm về thân thế, sự nghiệp, công lao to lớn của Ngài đối với lịch sử dân tộc. Tiếp theo các cơ quan, đoàn thể và khách thập phương vào dâng hương lễ Thánh.
Tiếp theo đội tế nam tổ chức tế lễ theo nghi thức truyền thống. Đội tế gồm 12 người, chủ tế mặc trang phục màu đỏ, các thành viên khác mặc trang phục áo xanh, quần trắng, đầu đội mũ, chân đi hia đứng thành hai hàng trước sân đình. Tuần tự buổi tế theo nghi thức truyền thống, sau các tuần dâng rượu, trà, nước… lên Đức Thánh, ông Chủ Tế đọc Chúc Văn ca ngợi công đức của Thần Hoàng, kính xin Thần ban phước lành, phù trì cho nhân dân được yên ổn, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Sau đó, đội tế nữ tổ chức lễ dâng hương trang nghiêm, thành kính. Cùng với các nghi thức tế lễ, nhiều trò chơi dân gian truyền thống như chọi gà, bịt mắt đập niêu, các tiết mục biểu diễn Quan họ, hát Chèo, Chầu Văn… diễn ra trong khu vực lễ hội đã thu hút rất đông khách tham dự, tạo sự hứng khởi vui tươi.
Lễ hội đình Hoàng Cầu tụ hội được các yếu tố truyền thống và hiện đại, là dịp sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư nhằm tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên; qua đó giáo dục cho các thế hệ trẻ lòng biết ơn đối với những vị anh hùng dân tộc đã chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do cho Tổ Quốc. Từ bao đời nay, lễ hội đình Hoàng Cầu vẫn được các thế hệ nơi đây gìn giữ, kế thừa, phát huy, trao truyền cho các thế hệ nối tiếp góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa dân gian truyền thống của Thăng Long – Hà Nội.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh