Lễ hội đền Lương Sử
Số 88, ngõ Lương Sử A, phường Văn Chương, quận Đống Đa
0243 851 1306
Giới thiệu
Đền Lương Sử còn được gọi là đình Lương Sử, có địa chỉ tại số 88, ngõ Lương Sử A, phường Văn Chương, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Thế kỷ XIX, Lương Sử, nguyên là đất tổng Hữu Nghiêm, sau đổi thành tổng Yên Hòa, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Sở dĩ gọi là đền (đình) Lương Sử là do Lương Sử được hợp nhất bởi hai thôn: Ngự Sử và Lương Tỷ. Thôn Ngự Sử được vua Lý Thái Tông cho xây dựng Đền năm 1034 – 1038 thờ tướng quân Phạm Cự Lượng, thôn Lương Tỷ có ngôi đình thờ Cao Sơn Đại Vương và Thánh mẫu Liễu Hạnh nhưng đã bị đổ nát. Giữa thế kỷ XIX, hai thôn này hợp nhất thành thôn Lương Sử. Như vậy, đền (đình) Lương Sử ngày nay chính là sự sáp nhập của hai di tích đền Ngự Sử thờ Phạm Cự Lượng và đình Lương Tỷ thờ Cao Sơn Đại Vương và Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Sự dung hợp yếu tố tín ngưỡng của hai di tích đã tạo cho ngôi đền Lương Sử trở nên lý thú bởi nó vừa mang chức năng của ngôi đền thờ thần, vừa mang chức năng của ngôi đình thờ Thành hoàng làng.
Các nhân vật được thờ trong đền (đình) Lương Sử đều là những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa đã có công trong lịch sử dấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta, được nhân dân suy tôn thờ cúng. Đó là Phạm Cự Lượng - một danh tướng đời Đinh Tiên Hoàngvà đượcLê Đại Hànhphong đến chứcThái úy. Ông là người có vai trò rất quan trọng trong cuộc binh biến đưaLê Hoànlên ngôi Hoàng đế, giúp triều Tiền Lê đánh tan quân Tống năm 981, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu bền cho đất nước.
Thần Cao Sơn Đại Vương là một trong 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi. Do có công giúp vua Hùng dẹp tan giặc Thục nên thần trở thành bộ tướng của thần Sơn Tinh và được phụng thờ trong đền núi Tản Viên Ba Vì. Trải qua thời gian cùng sự dịch chuyển của tâm thức dân gian, thần Cao Sơn tiếp tục được suy tôn là một trong “Thăng Long tứ trấn” - vị thần trấn giữ phía Nam, bảo vệ cho kinh đô Thăng Long xưa.
Mẫu Liễu Hạnh còn được gọi là công chúa Liễu Hạnh, bà Chúa Liễu, Mẫu Sòng, Mẫu Phủ Giày, Mẫu nghi thiên hạ... là một vị nữ thần có tư thái, phẩm chất in đậm vào tâm hồn người Việt Nam, Bà đã cùng với Phù Đổng Thiên Vương, Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử tạo thành "Tứ bất tử" trong thần điện của người Việt. Dưới các vương triều quân chủ, bà được tôn phong là "Đệ nhất Thượng đẳng thần". Mẫu Liễu Hạnh chính là hiện thân cho sự mưu cầu hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ Việt Nam tạo bình đẳng nam nữ trong xã hội phong kiến.
Tưởng nhớ đến công lao của các thần linh, hàng năm dân làng Lương Sử tổ chức lễ hội vào ngày 20 tháng Giêng và ngày 19 tháng 2 (âm lịch). Xưa kia, cứ 3 đến 5 năm lại tổ chức rước kiệu quanh các ngõ tới khu vực Văn Miếu – Quốc Tử Giám rồi trở về đền. Đoàn rước rất long trọng, trang nghiêm.Đi đầu là đội múa sư tử, biển hiệu, cờ thần, cờ ngũ sắc, chấp kích, bát bửu, biển lệnh, tiếp đó là phường bát âm, kiệu hoa, kiệu Thành, hai giới các cụ đi hai bên.
Để chuẩn bị cho lễ hội, từ trước tết Nguyên Đán, Ban tổ chức lễ hội đã phải họp bàn, chuẩn bị cho ngày hội đền, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, ban khánh tiết, ban hậu cần, lựa chọn người viết văn tế…, các đồ thờ trong đình được bao sái, xếp đặt ngăn nắp, cờ thần, cờ ngũ hành được treo khắp phố, nghi thức làm lễ Mộc dục được tiến hành rất cẩn trọng.
Từ 8h ngày 19 giáng Giêng: Trong sân đình, các nghệ sỹ biểu diễn ca múa nhạc chào mừng khiến cho không khí mỗi lúc một náo nhiệt. Lễ vật gồm: xôi gà, hương hoa, oản quả, thanh bông, kim ngân, trầu rượu được ban tổ chức thịnh soạn dâng lên làm lễ cáo với Ngài. Nghi thức tế cáo yết Thành hoàng cùng múa Sênh Tiền được đội tế nam và nữ tiến hành cùng các tiết mục văn nghệ biểu diễn cho tới tận tối khuya,
Ngày 20 tháng Giêng: Từ sáng sớm, ban tổ chức lễ hội chuẩn bị lễ vật dâng lên các ban thờ. Nghi thức tế do các cụ ông đảm nhiệm được tiến hành từ sớm trước khi tiến hành khai mạc lễ hội. Đội tế gồm 17 người, chủ tế trong trang phục màu đỏ, giữ ngôi vị cao nhất.Các thành viên khác trong trang phục áo xanh, quần trắng, đội mũ, đi hia.Tuần tự là các tuần trà, rượu, nước được dâng lên Ngài theohiệu lệnh của ông chủ tế. Sau đó ông chủ tế đọc Chúc Văn ca ngợi công đức của các vị thần linh đối với dân với nước, đồng thời cầu mong các Ngài hãy tiếp tục chở che, phù hộ quốc thái dân an, mọi nhà yên vui, hạnh phúc.
Tiếp theo đội tế nữ dâng hương lên Thành hoàng trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ. Các bà trong trang phục tươi tắn, rực rỡ sắc màu. Người dân đứng chật kín trong sân đình chăm chú hướng theo điệu múa xênh tiền và những bước đi uốn lượn theo nhịp chiêng, phách cùng tiếng nhạc của phường bát âm trong sự kính cẩn trang nghiêm mang đậm nét dân gian truyền thống.
Lễ dâng hương kết thúc, đến trưa, ban tổ chức làm lễ Tạ thần, lộc tại các ban được hạ xuống để mọi người cùng thụ hưởng. Những ai không có mặt được chia đều theo các suất gửi về các gia đình với ý nghĩa sẽ được may mắn trong cả một năm.
Cùng với những nghi thức tế, lễ; các trò chơi dân gian ngày nay vẫn được duy trì như: Cờ tướng, cầu lông, chọi gà, bóng bàn… tạo không khí vui tươi, gắn kết các thành viên trong cộng đồng nhằm củng cố khối đoàn kết toàn dân, góp phần trong việc gìn giữ, bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương, duy trì tốt các thuần phong mỹ tục.
Lễ hội đền (đình) Lương Sử là sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu của mỗi người dân địa phương nhằm gửi gắm niềm tin, ước vọngvào các vị thần linh để cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đến với lễ hội, mỗi người như được trở về nguồn cội, được sống trong không gian thiêng liêng, thỏa mãn nhu cầu tâm linh để có thêm ý chí và nghị lực vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, hướng con người tới những giá trị chân – thiện – mỹ...
Bản đồ
Địa điểm xung quanh